Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

"Bóng cả" trên ngàn

Đỗ Long- Tùng Lâm - 05:42, 23/11/2023

Ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bà con người Rơ Măm tin yêu già làng A Ngốc lắm. Bởi ông không chỉ giúp họ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống ngày càng phát triển.

Già A Ngốc làm chuồng trại nuôi bò, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi.
Già A Ngốc làm chuồng trại nuôi bò, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi.

Trở về sau buổi tổng vệ sinh làng, già A Ngốc gặp chúng tôi và niềm nở chào hỏi. Già cười: Muốn nói bà con nghe thì nói phải đi đôi với làm, trước tiên bản thân phải làm gương đi đầu, từ việc nhỏ đến việc lớn, tôi đều góp sức. Từ đó, uy tín, tiếng nói của bản thân mới có giá trị, có sức ảnh hưởng với bà con. Làm già làng mà chỉ nói suông, bà con sẽ bằng mặt nhưng không bằng lòng, lâu ngày gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến sự phát triển của làng.

Ngày xưa, bà con Rơ Măm có thói quen phá rừng, làm rẫy, trồng lúa chọc tỉa, trồng mì. Thực hiện chủ trương của Đảng về việc bảo vệ rừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, già A Ngốc đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng. Giờ đây bà con đã nâng cao nhận thức, trong làng có 74 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với 1.142,8 ha, với số tiền 400.000 đồng/ha/năm, giúp bà con cải thiện đời sống.

Không còn phá rừng lấy đất trồng rẫy, bà con tiếp tục phát triển kinh tế trên những mảnh vườn đã khai hoang từ xưa. Được chính quyền địa phương vận động, già A Ngốc đã tuyên truyền bà con chuyển từ trồng mì, lúa sang trồng cao su bởi thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp phát triển loại cây này. Để bà con nghe theo, già A Ngốc đã lựa chọn những hộ có đời sống ổn định nhờ trồng cao su để làm gương điển hình mỗi khi tham gia vận động, đồng thời già cũng đầu tư trồng 4ha cao su trên đất trồng mì trước đó. Giờ đây, diện tích cao su tiểu điền ở làng Le đạt 141ha.

Cùng với đó, già A Ngốc còn phối hợp với chính quyền xã vận động bà con chưa có việc làm ổn định tham gia làm công nhân cho các công ty cao su trên địa bàn. Đến nay, làng Le có 36 người làm cho Công ty 78 và 16 người làm cho Công ty Duy Tân, thu nhập bình quân của công nhân làm cho các công ty khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, đời sống bà con được cải thiện, nhiều gia đình thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp.

Già A Ngốc cho biết, một trong những thay đổi lớn của bà con làng Le là việc xóa được “lời nguyền”, đó là chăn nuôi gia súc là để phát triển kinh tế, không phải phục vụ chuyện tâm linh. Để bà con tin và nghe theo, già A Ngốc đã làm chuồng, nuôi 4 con bò, lấy phân bón cho cây trồng. Thấy già A Ngốc nuôi bò, nhiều hộ dân cũng nuôi theo và không còn tin vào “lời nguyền” không nuôi bò trước đó. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của bà con làng Le có hơn 1.800 con, trong đó có gần 400 con bò. Những năm gần đây, bà con làng Le đã bán gia súc để tăng thu nhập. Đồng thời, thay đổi thói quen nuôi thả rông thành nuôi nhốt, sử dụng phân để bón cho cây trồng.

Già A Ngốc (phải) vận động người dân giữ gìn các bộ cồng chiêng.
Già A Ngốc (phải) vận động người dân giữ gìn các bộ cồng chiêng.

Ngoài xóa được “lời nguyền” không nuôi bò, già A Ngốc còn phối hợp với chính quyền địa phương xóa bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp để tránh lãng phí thời gian, tài sản. Theo đó, bà con đã xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục, phong tục không còn phù hợp như: Kiêng cữ cái chết xấu; hôn nhân cận huyết thống; thả rông gia súc; sinh đẻ tại nhà; nợ miệng; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; cho người chết ăn và cúng ốm đau và khấn cầu thần linh.

Với vai trò là già làng, Người có uy tín, già A Ngốc còn vận động, tuyên truyền bà con bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Rơ Măm. Nhiều bà con đã nâng cao nhận thức, không còn tin vào những lời dụ dỗ của những kẻ buôn mà nhẹ dạ bán đi bộ cồng chiêng của gia đình. Giờ đây, người dân làng Le cùng chung sức giữ gìn những bộ cồng chiêng. Hiện nay, trong làng có 3 bộ cồng chiêng tập thể, 34 bộ cồng chiêng cá nhân và có khoảng 80 người biết đánh cồng chiêng.

Ông Ngô Công Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Già A Ngốc là một trong những mắt xích quan trọng, phối hợp với chính quyền địa phương giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Cùng với đó, già A Ngốc còn cùng bà con làng Le giữ gìn vệ sinh đường làng, chuồng trại, chăm lo giáo dục con cái… Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với già A Ngốc sâu sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, tháo gỡ những khó khăn giúp đời sống của bà con ngày càng phát triển. 

Tin cùng chuyên mục
Phát huy vai trò Người có uy tín vùng đồng bào DTTS tại Giồng Riềng (Kiên Giang): Chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách (Bài 2)

Phát huy vai trò Người có uy tín vùng đồng bào DTTS tại Giồng Riềng (Kiên Giang): Chăm lo thực hiện tốt chế độ, chính sách (Bài 2)

Xác định rõ vai trò quan trọng của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho Người có uy tín nhằm khuyến khích, động viên kịp thời đội ngũ phát huy vai trò nơi cơ sở.