Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lai Châu: Hiệu quả từ chính sách đối với Người có uy tín

Minh Thu - 09:17, 18/11/2023

Lai Châu hiện có khoảng 489,9 nghìn người với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm trên 85%. Trên địa bàn tỉnh có 885 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, là những Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, nhân sĩ, trí thức, cán bộ nghỉ hưu, già làng, trưởng dòng họ, người sản xuất giỏi, chức sắc tôn giáo và một số thành phần khác.

Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS
Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Những cây đại thụ của bản làng

Nậm Củm 2 là một bản làng xa xôi của xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu mà nhiều người chưa biết đến. Nhưng đến đây, hỏi ông Lò Văn Thích, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi và là Người có uy tín của bản thì ai cũng biết.

Ông Lò Văn Thích năm nay tuổi đã cao nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, nhiệt tình. Được dân làng tin tưởng, bầu chọn là Người có uy tín, ông không quản ngại vẫn đi khắp bản vận động Nhân dân. Ông chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên Hội Người cao tuổi và các con cháu trong bản tăng cường lao động sản xuất để thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nậm Củm 2 từ một bản nghèo “nhà khá nhất bản chỉ có cây đu đủ” nhưng nay dưới sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền đã thay da, đổi thịt, đời sống người dân còn nghèo nhưng đã khấm khá hơn, có cái ăn, cái mặc. 

Câu lạc bộ do ông làm Chủ nhiệm đã giúp hội viên được hơn 200 ngày công và giúp vay vốn làm ăn hơn 30 triệu đồng. Ông Lò Văn Thích cũng như nhiều Người có uy tín khác trở thành “cây đại thụ” có nhiều đóng góp tiêu biểu. Ông đã được UBND tỉnh Lai Châu khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2017 – 2020; Được Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”.

Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Lai Châu, trở thành "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ Người có uy tín đã tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là "điểm tựa" của đồng bào DTTS, giúp đồng bào xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đoàn NCUT tham gia học tập kinh nghiệm ngoại tỉnh (tại tỉnh Bắc Giang)
Đoàn Người có uy tín tham gia học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang

Bên cạnh đó, nhiều Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Bản thân Người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong việc tìm tòi các biện pháp, cách làm hay nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Đồng thời hướng dẫn giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn trong thôn, bản, khu dân cư cách làm kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn người nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình là Người có uy tín, các vị già làng, trưởng dòng họ làm kinh tế giỏi, làm giàu chính đáng.

Đơn cử như ông Lý Văn Hom (dân tộc Khơ Mú) ở bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn. Để giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ông Hom đã vận động nhiều hộ gia đình tập trung phát triển kinh tế. Tiêu biểu là vận động 15 hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi cá lồng với với 38 lồng, mỗi năm thu trên 10 tấn cá, đem lại thu nhập cho gia đình từ 100 triệu đến 200 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, ông còn vận động Nhân dân chăm sóc tốt 113,53 ha cây quế, 08 ha cây ăn quả, giúp tăng thu nhập cho người dân. Năm 2023 đã phối hợp với các đoàn thể xã vận động 04 hộ dân trong bản xóa nhà tạm, phấn đấu bản không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát. Từ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ xã, chính quyền, cùng sự tâm huyết của những “cây đại thụ” của bản làng và sự nỗ lực, đồng lòng của bà con, đến nay, đời sống của người dân bản Tổng Pịt ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/người/năm, góp phần vào xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.

Người có uy tín tại Lai Châu còn phát huy vai trò xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống; thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc, từng bước xóa bỏ các tập túc lạc hậu, mê tín, dị đoan, thương yêu giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa…, góp phần quan trọng củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò

Với vai trò quan trọng, Người có uy tín được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu cho biết: việc triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS được tỉnh chỉ đạo triển khai theo các văn bản hướng dẫn của trung ương và cụ thể hoá cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương. 

Trong đó, tập trung triển khai chế độ, chính sách cho Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS và Quyết định 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Lai Châu đã thực hiện chế độ, chính sách cho Người có uy tín với tổng số là 13.267 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: Trong giai đoạn 2021-2023, bên cạnh những chương trình chúc Tết, thăm hỏi Người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã tổ chức 12 Hội nghị cung cấp thông tin cho 925 Người có uy tín; Tổ chức 23 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.045 Người có uy tín; Tổ chức đưa 27 đoàn gồm 868 Người có uy tín đi giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Bác Sùng A Phừ, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín bản Suối Thầu, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết: Thông qua các chương trình, tôi càng thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của Người có uy tín ở bản làng và sẽ cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và bà con tin tưởng giao phó.

Ban Dân tộc đã trình UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt danh sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2023 - 2027. Ban Dân tộc cũng đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh Người có uy tín năm 2023 với quy mô 250 đại biểu; triển khai kế hoạch đặt báo Dân tộc và phát triển cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo tiểu Dự án 1 Dự án 10 cho 885 Người có uy tín trong năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS để động viên, khích lệ Người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.