Sinh năm 1945 tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động, năm 1975, ông Tình tham gia công tác xã hội ở xã An Lạc, làm Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã, rồi Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã An Lạc. Năm 2000 ông nghỉ hưu theo chế độ và được tín nhiệm bầu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
23 năm công tác trên cương vị Người có uy tín, ông Đàm Xuân Tình đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho quê hương trên nhiều lĩnh vực. Ông luôn xác định được vai trò, nhiệm vụ và trọng trách của mình đối với bà con Nhân dân vùng đồng bào DTTS trong thôn, xã nói riêng và trong toàn huyện nói chung. Để truyền tải các thông tin, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, ông thường xuyên tuyên truyền trên loa truyền thanh của thôn, tuyên truyền lồng ghép tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc, hội nghị họp thôn và hội nghị sơ kết, tổng kết của các tổ chức chính trị, xã hội trong thôn. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hằng năm, ông được Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện tổ chức đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và các Hội nghị cung cấp thông tin do UBND huyện, Ban Dân tộc tổ chức. Nắm được các thông tin kinh tế - xã hội, ông tích cực vận động người dân trong thôn, xã tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu; tích cực tham gia hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào do cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp phát động và các phong trào thi đua khác tại địa phương. Kịp thời động viên Nhân dân học hỏi mô hình mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, mạnh dạn đầu tư đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, những năm gần đây nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo bền vững với thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Hằng năm, hộ nghèo giảm từ 3 - 5%. Toàn thôn Đồng Bây hiện chỉ còn 17 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, để thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động Nhân dân hiến đất và quyên góp tiền và đã bê tông hóa 1.500m ở 4 tuyến đường nông thôn. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, tổ chức tu sửa, nạo vét 2.500 mét cứng hóa mương nội đồng với trên 200 ngày công. Đồng thời, vận động Nhân dân đóng góp xây dựng đường điện thắp sáng trong thôn được 49 bóng và cột đèn với tổng chiều dài là 1,7km, kinh phí thực hiện 29,8 triệu đồng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, ông Tình đã cùng chính quyền, đoàn thể thôn, xã vận động Nhân dân hiến trên 2.000m2 đất, đóng góp được 105 triệu đồng làm 2 km đường giao thông nông thôn. Năm 2023, ông tiếp tục cùng với Ban Chi uỷ, Chi bộ và Ban Quản lý thôn vận động đựơc 18 hộ trong thôn hiến đất để mở rộng đường trục chính trong thôn và bê tông hoá mỗi bên lề đường là 2m, tổng số đất hiến là 6.400 m2 (trong đó, gia đình ông hiến 280m2 đất).
Không chỉ tích cực trong công tác xã hội, nhiều năm qua, ông Đàm Xuân Tình còn là tấm gương mẫu mực trong xây dựng đời sống văn hóa. Với những nỗ lực, đóng góp của ông Tình, thôn Đồng Bây nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được Nhân dân tham gia đông đủ. Đến nay, thôn đã xây dựng quỹ khuyến học, tặng quà cho các cháu học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp hằng năm được tổ chức vào dịp Tết Trung thu. Đặc biệt, trăn trở trước thực trạng bản sắc văn hóa, chữ viết của đồng bào DTTS có nguy cơ mai một, bản thân ông Tình đã sưu tầm các sách của ông cha để lại, biên soạn thành tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc Sán Chí, Cao Lan, tổ chức được nhiều lớp truyền dạy tiếng Sán Chí, Cao Lan tại thôn. Với tâm huyết của mình và sự hưởng ứng tham gia của người dân, các cháu học sinh, hiện nay thôn đang duy trì được 2 lớp truyền dạy tiếng Sán Chí và Cao Lan; mỗi lớp gần 20 học viên, học vào buổi sáng ngày Chủ Nhật hằng tuần, chủ yếu là các cháu đang học bậc THCS.
Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, xã, ông Tình chủ động tham gia tuyên truyền để giúp bà con nâng cao nhận thức và ý thức trong việc giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các DTTS. Tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa của Trường THCS bán trú trên địa bàn xã, ông tham gia nói chuyện chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, từ đó, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, giúp các cháu học sinh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm cao cả của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống của các DTTS.
78 năm tuổi đời, 41 năm tuổi Đảng, 23 năm là Người có uy tín, ông Đàm Xuân Tình luôn mong muốn truyền dạy đầy đủ những gì mình biết về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, Sán Chí cho con, cháu, thế hệ trẻ sau này, để các giá trị văn hóa luôn được gìn giữ theo thời gian.
Ông Nhữ Văn Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: Với uy tín và trách nhiệm, bằng nhiều cách làm cụ thể, ông Đàm Xuân Tình đã giúp khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; phát huy trách nhiệm người dân trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, làm cho đồng bào ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ông là một trong những tấm gương sáng trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang trong những năm qua.
Với những đóng góp cho cộng đồng trong những năm qua, ông Đàm Xuân Tinh đã nhận được nhiều Giấy khen của huyện Sơn Động, Bằng khen của tỉnh Bắc Giang. Năm 2023, tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc, ông Đàm Xuân Tình đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu đối với suwjnghieepj phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương.