Người có uy tín làm kinh tế giỏi
Đến thôn Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hỏi tên ông Trần Minh Chi, dân tộc Tày, người dân nơi đây đều biết ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Tày ở xóm Mới nhiều năm qua. Mọi việc lớn, nhỏ ở trong thôn, tổ dân phố và các cuộc vận động, phong trào khác ở địa phương, ông Chi đều tham gia nhiệt tình.
Ông Chi cho biết, từ năm 2003 đến nay, ông được cấp ủy Đảng và bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận ở thôn Xóm Mới. Mặc dù năm nay đã ở tuổi 71 nhưng ông vẫn bận rộn với công việc xã hội và nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình để con cháu học tập, noi theo. Ông chưa bao giờ ngừng tìm tòi, tự nghiên cứu học tập để nâng cao kiến thức xã hội. Qua các kênh thông tin trên báo, đài, ti vi, ông soi chiếu lại mảnh đất của quê hương mình thì thấy huyện Đồng Văn đã phát triển du lịch nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ăn, nghỉ cho du khách, nhất là vào những dịp lễ hội, tết; các sản phẩm du lịch ở địa phương còn nghèo nàn... Từ đó, ông bàn bạc, thống nhất cùng các thành viên trong gia đình, quyết tâm đưa mô hình “làm kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ” vào thực hiện.
Sau khi được Hội Người cao tuổi huyện và chính quyền địa phương tư vấn, hướng dẫn, ông Chi đã mạnh dạn vay 300 trăm triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng 500 cây lê giống Đài Loan và 500 cây hồng giống Hồng Kông, mua con giống gia súc, gia cầm về nuôi. Đồng thời, ông mạnh dạn chuyển diện tích đất xấu trồng ngô, lúa không có hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn và xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Từ mô hình này, sau 5 năm chăm sóc phát triển, gia đình ông Chi đã có doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.
Khi có lợi nhuận, ông Chi quyết định sửa sang và nâng cấp căn nhà cổ 3 gian lợp ngói âm dương thành nhà nghỉ Homestay với 5 phòng nghỉ và xây thêm một nhà nghỉ 3 tầng với 6 phòng nghỉ để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, ông mở thêm dịch vụ may mặc trang phục dân tộc truyền thống, kết hợp bán hàng tạp hoá nhu yếu phẩm phục vụ cho bà con Nhân dân trong vùng… Bình quân hằng năm, trừ chi phí, doanh thu được trên 200 triệu đồng. Từ mô hình trang trại và sản xuất, kinh doanh, ông đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 10 lao động là người dân địa phương.
Bên cạnh đó, ông Chi còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống và hỗ trợ hàng trục triệu đồng để thực hiện Chương trình “Dân vận khéo” lắp đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường làng, ngõ xóm do huyện Đồng Văn tổ chức phát động. Nhiều năm qua, gia đình ông luôn đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Bản thân ông đã được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng nhiều Bằng khen. Nhiều năm, ông được Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, huyện, Chủ tịch UBND huyện, thị trấn khen thưởng.
Người có uy tín giàu nhất ở vùng biên
Còn tại thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, ông Củng Chẩn Tráng, là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Pu Péo của thôn. Ông Tráng cho biết: Phố Là là xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Vào mùa khô, vùng này rất khan hiếm nước sinh hoạt, cây lương thực chính của người dân là cây ngô; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã còn khá cao. Những năm trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo trong xã. Khi xã triển khai chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, gia đình ông được nhận 1 ha đất canh tác và giao quản lý 2 ha rừng lâm nghiệp.
Để biến đất cằn thành cơm gạo, ông Tráng đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ông mạnh dạn đưa ngô, lúa giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hằng năm, cho thu hoạch cao gấp 2 đến 3 lần so với gieo cấy truyền thống. Sau vụ thu hoạch ngô, lúa, cũng trên diện tích đất đó, ông lại trồng thêm các loại rau, củ, quả bán ra thị trường.
Hưởng ứng chủ trương của huyện Đồng Văn về việc trồng cây hoa tam giác mạch để thu hút khách du lịch, ông Tráng đã phát triển thêm diện rồng cây hoa tam giác mạch trên đồi gần nhà. Ông kết hợp nấu rượu ngô, rượu tam giác mạch và dùng ngô, tam giác mạch làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm... Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng trên 1 tấn lợn hơi và hàng chục con trâu, bò, hàng trăm con gà… Thu nhập từ chăn nuôi và các dịch vụ du lịch của gia đình lên tới trên 2 trăm triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí.
Đối với diện tích đất rừng được giao quản lý, ông trồng thêm cây sa mộc và một số cây lâm nghiệp khác… Tuy nhiên, do thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt nên cây phát triển chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao, ông lại mạnh dạn trồng thêm các loại cây ăn quả vào những vùng đất trống phù hợp với thổ nhưỡng, khi hậu như hồng, đào, lê, mận, óc chó…, đặc biệt là cây thảo quả, cây dược liệu dưới tán lá rừng, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tổng các khoản thu nhập của gia đình ông năm sau luôn cao hơn năm trước, giai đoạn 2018- 2023, tổng doanh thu của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng, đã trừ chi phí. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá giả có thu nhập cao nhất nhì của xã vùng biên Phố Là. Gia đình ông xây dựng được nhà cửa khang trang, mua ô tô và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Ông Trần Minh Chi và Củng Chẩn Tráng là 2 trong số nhiều Người có uy tín tại huyện Đồng Văn phát huy tốt vai trò “tuổi cao, gương sáng” trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn, toàn huyện hiện có 225 Người có uy tín tại 225 thôn, tổ dân phố. Những Người có uy tín là “hạt nhân” nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng cao biên giới.