Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa Bình: Người có uy tín đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH địa phương

Việt Hà - Mai Hương - 21:55, 31/10/2023

Hòa Bình là một trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào DTTS cao (chiếm gần 75% dân số toàn tỉnh), gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... Trên địa bàn tỉnh có 1.276 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đây là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, tiên phong trong mọi phong trào, là hạt nhân trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Hòa Bình nhân dịp đoàn thăm quan, gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hà Nội
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Hòa Bình nhân dịp đoàn thăm quan, gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hà Nội

Tiên phong trong mọi phong trào

Về thăm vùng đất cổ Mường Bi, chúng tôi khá ấn tượng với không gian văn hóa Mường đặc sắc, từ nhà văn hóa cộng đồng xóm Lũy Ải, những con đường sạch đẹp, những hàng cau xanh mướt… Người dân ở đây đã tận dụng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của du khách. Tiêu biểu là Homestay của gia đình ông Bùi Văn Khẩn, sinh năm 1952, Người có uy tín xóm Lũy Ải.

Tại căn nhà sàn của gia đình, ông Khẩn chăm chút dọn dẹp, trải nệm để chuẩn bị đón khách du lịch tới nghỉ. Vẫn là căn nhà sàn của gia đình đang ở, ông nâng cấp thêm các hạng mục cần thiết để thuận tiện cho sinh hoạt, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ông kể, dù tuổi cao nhưng mình vẫn phải cố gắng phát triển kinh tế để đỡ đần con cháu, gương mẫu để con cháu, bà con noi theo. 


Ông Bùi Văn Khẩn chăm chút dải nệm chuẩn bị đón khách du lịch
Ông Bùi Văn Khẩn trải nệm chuẩn bị đón khách du lịch

Bên cạnh đó, ông Khẩn còn tích cực trong các hoạt động gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là Mo Mường và bộ lịch đoi của người Mường. Ông Khẩn nói, Mo Mường là tinh hoa hội tụ toàn bộ phong tục tập quán của người Mường, được tái hiện qua trí tưởng tượng của con người. Thầy mo thay mặt Nhân dân tiến hành những nghi lễ tâm linh, cầu cho cuộc sống mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Không chỉ biết thực hành các nghi lễ, ông Khẩn còn truyền dạy cho nhiều người dân trong vùng biết về Mo Mường.

Đặc biệt hiện nay, ông Khẩn còn lưu giữ được bộ lịch Đoi bằng tre của dân tộc mà theo lời kể của ông, bộ lịch đó đã có từ thời ông nội ông để lại. Theo ông Khẩn, đây là bộ lịch quan trọng trong cuộc sống người Mường, được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu sau này, ông vẫn đang dùng bộ lịch này để xem ngày cho con cháu, người dân trong vùng. Cũng theo ông Khẩn, người Mường đã quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính chu kỳ hằng tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian và chế định ra 12 thẻ tre. Mỗi mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để tính toán đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú” đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Tương tự, ông Quách Văn Thỏn, xóm Nhụn, xã Yên Phú (Lạc Sơn) đã phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động Nhân dân trong xóm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển. Với nhiệm vụ là trưởng xóm, ông Thỏn đã vận động 105 hộ dân của xóm về khu tái định cư, giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công công trình hồ chứa nước Cánh Tạng, đồng thời vận động hộ dân hiến 157 ha đất cho công trình hồ chứa nước, tuyên truyền Nhân dân tu chí làm ăn, phát triển kinh tế tại nơi ở mới.

(Ban Chuyên đề - CĐ Sở TT Hòa Bình) Người có uy tín tỉnh Hòa Bình: Cây cao bóng cả vùng DTTS 2
Người có uy tín xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) vận động hộ dân hiến đất, mở rộng đường giao thông.

Ông Bùi Văn Khẩn và ông Quách Văn Thỏn là hai trong số những Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Hòa Bình tiên phong trong mọi phong trào. Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã vận động đồng bào ở thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển văn hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Tạo động lực cho Người có uy tín phát huy vai trò 

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 1.276 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, Cao Lan. Trong đó có 290 Người có uy tín trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 10/10 huyện, thành phố thuộc nhiều thành phần khác nhau như: già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, thầy mo, thầy cúng, người sản xuất - kinh doanh giỏi, chức sắc, chức việc tôn giáo...

Đây đều là những người tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ ANTT; có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc, cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào DTTS trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc nêu gương được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo…

Để tạo động lực giúp Người có uy tín phát huy vai trò của mình, UBND tỉnh Hòa Bình đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện chính sách cho Người có uy tín. Trong đó, tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, thăm quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình Người có uy tín khi gặp khó khăn do thiên tai, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc; đồng thời biểu dương, khen thưởng, cấp miễn phí báo Đảng bộ tỉnh, Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện thăm hỏi, tặng quà Người có uy tín trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 450 triệu đồng. Tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức cho người có uy tín với nguồn kinh phí hơn 270 triệu đồng…

Nhìn nhận về vai trò của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Đinh Công Sứ khẳng định: Người có uy tín luôn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người dân, là cầu nối quan trọng của chính quyền địa phương trong công tác vận động đồng bào DTTS ở các lĩnh vực phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đồng bào DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.