Dân tin Đảng, một lòng theo Đảng
Xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là mảnh đất kiên trung, một căn cứ địa đi qua cả hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc. Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ. Bà con chỉ nghe theo lời Đảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng.
Từ năm 1961 cho đến hôm nay, tất cả các gia đình ở xã Anh hùng này luôn treo ảnh Bác Hồ trong ngôi nhà của mình như một sự biết ơn, một lời nhắc nhở. Tôi đã từng lên khu đồi nhỏ ở trung tâm xã Sơn Điền thuộc huyện Di Linh và chứng kiến tấm bia bằng đá khắc dòng tên những người con dân tộc Cơ-ho của vùng đất này đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tôi cũng đến với Đồng Mang, Đạ Tro, K’Long K’Lanh… những tên đất đã trở thành huyền thoại, nơi nuôi giấu những chiến sĩ cách mạng như Chế Đặng, Đinh Sỹ Uẩn. Những năm 1967 - 1969, hàng trăm trai gái trong các buôn làng nơi đây đã đi cứu thương, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoạt động suốt tuyến Quốc lộ 21, nối Nam Tây Nguyên với chiến khu D và Trung ương cục miền Nam. Đội quân ấy là những chiến binh dũng cảm của Đoàn H50 Anh hùng nổi tiếng một thời…
Vùng thượng nguồn Đồng Nai thấm máu này, dòng sông nào, ngọn núi nào cũng in dấu một thời bom đạn. Tên làng buôn nào cũng được ghi lại bằng những trang sử hào hùng. Đó là những kỳ tích của một thời oanh liệt và cũng là những ký ức đậm tình dân với Đảng, với Bác, với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đảng vì dân, giúp dân đổi đời
Lúc sinh thời, Đại tướng Mai Chí Thọ trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, đã xúc động nói: “Vùng đất Lâm Đồng đã góp nhiều máu xương, công sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Không bao giờ được quên những sự hy sinh của đồng bào Cơ-ho, Mạ, S’Tiêng…”.
Còn bà Ka Nhir - người phụ nữ Cơ-ho ở buôn Bơ Nơm, xã Sơn Điền, Di Linh nói lời chân thành: “Ngày xưa, người dân Cơ-ho chúng tôi khổ lắm, tăm tối lắm. Các cán bộ và bộ đội về lập căn cứ, dạy dân đánh giặc và hứa, sau này thống nhất đất nước sẽ giúp dân xây dựng đường sá, trường học, cho thầy thuốc về chữa bệnh. Đúng như lời hứa năm xưa, giờ đây tất cả những điều ấy đều đã có ở làng buôn”.
Sau ngày nước nhà thống nhất, từ những chủ trương lớn, các chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS.
Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ các nguồn vốn khác nhau, Trung ương và tỉnh đã chi hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư khai hoang trên 10.000ha đất cho hàng ngàn gia đình lập vườn hộ cùng với giao khoán 297.400ha rừng cho 11.810 hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ. 300.000 người nghèo được hưởng lợi từ hơn 3.000 công trình nước sạch. 100% số xã có điện lưới quốc gia. Gần 90% số hộ nông thôn, trong đó số đông là đồng bào DTTS được dùng điện. 103/145 xã có bưu điện văn hóa; 100% số xã có điện thoại, trường học và trạm y tế; 85% địa bàn được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 908.205 lượt người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT. Hơn 25.000 hộ nghèo được đầu tư hoàn toàn hoặc hỗ trợ xây dựng nhà ở. 19.031 lượt học sinh con em đồng bào DTTS đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được hỗ trợ kinh phí.
Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để con em đồng bào được học tập, phấn đấu và cống hiến, nhiều người đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể…
Đến thời điểm này, tất cả 147 xã, phường trong toàn tỉnh đã có đường ô tô vào tận trung tâm. Các quốc lộ, tỉnh lộ đã nối mạng thông suốt Lâm Đồng với nhiều vùng trong nước. Những vùng chuyên canh chè, cà phê, tiêu, điều có thêm điều kiện giao thương, hạ giá thành sản xuất và nâng cao giá trị hàng hóa. Quê hương đồng bào Mạ ở Lộc Tân (Bảo Lâm) là hình mẫu của nông nghiệp công nghệ cao về buôn. Đạ Đờn (Lâm Hà) đã có nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Huyện miền núi nghèo Đạ Huoai trở thành vùng công nghiệp…
Hòa Bình, Đảng đưa ánh sáng về tận những nơi xa xôi, heo hút và đầu tư biết bao trí tuệ, công sức nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc cho đồng bào. Niềm tin, lòng biết ơn và sự trung thành của dân với Đảng và Bác Hồ kính yêu được hình thành từ những cơ sở sâu sắc và bền vững ấy.