Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Nghĩa cử trân quý của những "cây cao bóng cả" trong đại dịch

Duy Ly - 17:24, 30/09/2021

Đóng góp tiền, đồ thiết yếu; tuyên truyền vận động, thậm chí xông pha ra tuyến đầu chống dịch Covid-19… là những việc làm đáng trân trọng của những người cao tuổi (NCT) , trong đó có nhiều NCT ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Cụ bà 100 tuổi Trần Thị Nhung, trú ở xóm 6, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chống gậy đến UBND xã ủng hộ 50.000 đồng
Cụ bà 100 tuổi Trần Thị Nhung, trú ở xóm 6, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chống gậy đến UBND xã ủng hộ 50.000 đồng

Những tuyên truyền viên tích cực

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biễn phức tạp đến nay, cùng với các cơ quan chức năng, lực lượng NCT là già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giúp nhận thức của đồng bào DTTS được nâng lên, góp phần chung tay cùng cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Còn nhớ hồi cuối tháng 6/2021, tỉnh Bình Phước ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Lực lượng chức năng địa phương đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, nhằm giúp người dân thực hiện phòng, chống dịch, nhất là trong vùng đồng bào DTTS.

Công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng khá đa dạng, với pano, áp phích… Tuy nhiên, để việc tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao, phải kể đến công sức của những già làng, Người có uy tín đã trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc…

Già làng Điểu Krá thôn Bù Gia Phúc 2, Phú Nghĩa, huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) đã không ngại mưa gió để tuyên truyền cho bà con về các quy định của Nhà nước. Già Điểu Krá chia sẻ: “Trong thời gian bùng phát dịch trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, trong thôn, xã, nhiều người chấp hành rất tốt các quy định về phòng, chống dịch, song vẫn có một số người chưa rõ. Chúng tôi trực tiếp tuyên truyền lại nhiều lần, để họ hiểu rõ và thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng”.

Còn đối với bà con đồng bào Ê Đê ở buôn Cư Blang, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), già làng Y Hai Ayun luôn là một người sống có trách nhiệm và rất giàu tình nghĩa. Ai trong buôn làng cũng tôn kính ông, bởi những đóng góp của ông cho cộng đồng người DTTS ở Cư Blang

Đồng bào Ê Đê chiếm phần lớn dân số Cư Blang. Tại đây tồn tại nhiều tập quán lạc hậu. Đặc biệt, chưa có thói quen đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tổ chức đám tang, cưới hỏi rườm rà… Chính vì điều này, già làng Y Hai Ayun cùng chính quyền địa phương, cán bộ buôn thường xuyên vận động bà con DTTS nêu cao cảnh giác, tích cực phòng chống dịch.

Già làng Y Hai Ayun chia sẻ: “Đến nay, việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay sát khuẩn đã thành thói quen. Trong đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trên địa bàn xã có một số ca mắc, nên người dân ở đây càng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn. Bà con đã thích ứng với từng giai đoạn diễn biến của tình hình dịch bệnh, cùng cả nước phòng chống dịch”.

Bác sĩ về hưu Phạm Biên nhanh nhẹn đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vắc xin COVID-19
Bác sĩ về hưu Phạm Biên đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vắc xin COVID-19

Xông pha nơi tuyến đầu

Khác với các già làng làm công tác tuyên truyền, nhiều y, bác sĩ về hưu lại lựa chọn xông pha nơi tuyến đầu, thực hiện các công tác hỗ trợ cho các cán bộ y tế.

Trong khi nhiều địa phương đang căng mình chống dịch Covid-19, chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về vị bác sĩ 78 tuổi Nguyễn Văn Trang, với bức thư xung phong đến tâm dịch Bắc Giang để chống dịch Covid-19.

“Tinh thần minh mẫn sáng suốt, thể lực an khang, sức khỏe A1. Suốt nhiều năm công tác tôi làm Trưởng khoa Nhi, Trưởng khoa Tổng hợp nội, nhi lây Đông y. Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng (đồng nghiệp của tôi) bằng tâm huyết cao mong về già còn làm thêm được việc có ích cho xã hội. Đặt tay lên trái tim mình, nghe trái tim mách bảo: Hãy sống bằng trách nhiệm, tình thương, đừng bao giờ vô cảm trước mọi sự bất hạnh. Hãy tới đó (nơi tâm dịch) làm điều tử tế...”.

Đây là nội dung trích từ bức thư của ông gửi đến UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) hồi cuối tháng 5 vừa qua. Câu chuyện vị bác sĩ này đã được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn và mạng xã hội. Tất cả các bình luận đều thể hiện sự cảm phục và trân trọng hành động của ông.

Cũng với tinh thần “Mình còn khỏe thì chia lửa với ngành Y”, ở tuổi 71, bác sĩ về hưu Phạm Biên, từng là bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân, Viện Y dược học dân tộc đã đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ông tự hào “khoe” số thứ tự của mình là 149 trong danh sách các tình nguyện viên. Đồng thời, cũng nhắn nhủ thế hệ trẻ nên xung phong tham gia chống dịch.

Với bác sĩ Trang, bác sĩ Biên và rất nhiều các y bác sĩ cao tuổi khác, việc được tiếp tục thực hiện công việc chuyên môn dù đã về hưu là một điều hết sức ý nghĩa. Điều đó lại càng có giá trị hơn khi các ông, các bác được góp sức mình hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu trong công cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh Covid-19. Hơn ai hết, các bác sĩ về hưu càng thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề y, về sự hy sinh thầm lặng của họ khi làm nhiệm vụ vì cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trang vẫn làm đơn xin được ra Bắc Giang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Bác sĩ Nguyễn Văn Trang đã làm đơn xin được ra Bắc Giang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cho đi là còn mãi

Hình ảnh những cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao, nhưng vẫn tự mình mang tiền, thực phẩm đến các cơ quan chức năng để quyên góp là những hình ảnh thật đẹp và cảm động. Mặc dù số tiền ủng hộ không lớn, nhưng với hành động của họ, chúng ta thấy được tấm lòng cũng như trách nhiệm của những NCT với cộng đồng.

“Cụ bà 100 tuổi chống gậy đi ủng hộ quỹ phòng chống dịch”; “Cụ bà 84 tuổi mang tiền tiết kiệm ủng hộ chốt phòng chống dịch”, hay “Cụ bà 90 tuổi góp lương thực hỗ trợ đồng bào miền Nam chống dịch”… chỉ là số ít trong rất nhiều tấm gương NCT tham gia đóng góp, ủng hộ cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam cho biết: “NCT Việt Nam theo số liệu năm 2019 là 11,4 triệu người. NCT có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội; trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, họ lại càng thể hiện rõ hơn vai trò ấy”.

Ông Hùng chia sẻ thêm, NCT là những người có uy tín, có tiếng nói nhất định trong cộng đồng. Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, NCT luôn đứng ra thể hiện quan điểm, hướng dẫn và được người dân ví như "cây cao bóng cả" che chở, chỉ bảo cho các thế hệ sau. Đặc biệt ở nông thôn, vùng DTTS là những nơi mà lớp trẻ có xu hướng về thành phố, đi làm tại các khu công nghiệp, những người ở lại chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Vì vậy mà những công việc chính trị, xã hội, các đoàn thể chủ yếu do NCT tham gia.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, NCT không đứng ngoài cuộc, mặc dù họ được coi là đối tượng yếu thế. Ngược lại, NCT luôn đi đầu trong việc tham gia vào Tổ Covid cộng đồng và các công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Năm nay, chủ đề của Liên Hợp Quốc về Ngày Quốc tế NCT là “Công bằng số cho mọi lứa tuổi”, nhằm khẳng định nhu cầu của NCT trong việc tiếp cận và tham gia một cách có ý nghĩa vào công nghệ số của nhân loại. “Đây là một chủ đề rất hay và có ý nghĩa với NCT. Bởi họ vốn là những người chậm tiếp cận với công nghệ, thiệt thòi hơn so với những lứa tuổi khác”, ông Hùng chia sẻ.

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ NCT, công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào vấn về già hóa dân số, bên cạnh vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT thì vấn đề tạo môi trường để họ phát huy giá trị, nhất là NCT ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS được đặt ra hết sức bức thiết, cần có thêm những chính sách và định hướng của các cơ quan chức năng cũng như sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.