Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ thuật múa trống đôi của người Chăm H’roi

Lê Phương - 14:43, 12/10/2020

Với người Chăm H’roi sinh sống ở huyện Vân Canh (Bình Định), múa trống đôi (còn gọi là kơ-toang) là di sản văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, trước nguy cơ mai một ở huyện Vân Canh hiện tại vẫn còn một số nghệ nhân tâm huyết với loại nhạc cụ này nên ngày đêm ra sức gìn giữ và truyền dạy cho con cháu.

Già làng Lê Văn Ru (người cầm cây nêu) là một trong số ít những người am hiểu trống kơ-toang và văn hóa truyền thống của người Chăm H’roi huyện Vân Canh
Già làng Lê Văn Ru (người cầm cây nêu) là một trong số ít những người am hiểu trống kơ-toang và văn hóa truyền thống của người Chăm H’roi huyện Vân Canh

Tinh tế nghệ thuật múa trống bằng tay

Đây là hình thức song tấu trống, kết hợp khéo léo, tài tình giữa âm nhạc và hình thể, tạo nên một không khí tràn đầy hứng khởi, cả nhạc cụ và người chơi cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, độc đáo. Kơ-toang là nhạc cụ có từ lâu đời của người Chăm H’roi, được làm bằng thân cây khoét rỗng, bịt da bò, hoặc da ngựa. Múa trống kơ-toang diễn tấu theo cặp (gồm trống đực và trống cái). Các động tác múa trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú, hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống lúc trầm, lúc bổng, khi nhịp nhàng, lúc lại dồn dập, sôi nổi, gửi tới các vị thần linh lời cầu an, cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả buôn làng. 

Với kơ-toang, người ta không chỉ đánh trống, chơi trống mà còn múa trống, đấu trống. Qua múa trống đôi, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình, trao gửi tâm tư, tình cảm, khát vọng và kết nối cả cộng đồng, kết nối quá khứ với tương lai…

Theo già làng Lê Văn Ru, người am hiểu về trống kơ-toang ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, trong những dịp lễ hội lớn của người Chăm H’roi như Lễ đâm trâu, Lễ cưới, Lễ mừng sức khỏe... không thể thiếu màn múa trống kơ-toang với dàn cồng 3 và chiêng 5. Khi diễn tấu kơ-toang, hai người đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Người Chăm H’roi không dùng dùi trống gõ vào mặt trống mà dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để ve, vuốt, vỗ trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu khác nhau. Để tạo nên màn diễn tấu trống đôi sôi động, cuốn hút người xem, cặp đôi múa trống phải có kỹ năng múa trống thực thụ, phải là một cặp ăn ý, hiểu ý nhau. 

Các nghệ nhân ở Vân Canh trình diễn trống kơ-toang trong lễ cúng mừng nhà ông mới
Các nghệ nhân ở Vân Canh trình diễn trống kơ-toang trong lễ cúng mừng nhà ông mới

Tiếng trống se duyên 

Già làng Lê Văn Ru năm nay đã 83 mùa rẫy, nhưng tình yêu dành cho kơ-toang và văn hóa truyền thống của đồng bào mình vẫn luôn nồng cháy. Già Ru cho biết, ông đã học cách đánh trống kơ-toang lúc 18 tuổi. 

“Các thế hệ ông, bà hoặc cha, mẹ của tôi trước đây có tác hợp được với nhau cũng nhờ tiếng trống kơ-toang se duyên. Nét văn hóa đặc sắc, giàu cảm hứng từ tiếng trống kơ-toang là thế, nhưng các thế hệ trẻ hiện nay lại đam mê nhạc Rock hơn”, già Ru trăn trở.

Vì lo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mai một, nên ông Ru đã thuyết phục và dạy trống cho con trai mình là anh Lê Văn Tây (43 tuổi). Đến nay, anh Tây đã chơi thành thạo loại nhạc cụ này và là người trẻ hiếm hoi của khu phố Hiệp Hội giữ được nhịp trống kơ-toang. 

Ở Vân Canh còn có một nghệ nhân cũng dành hết tâm huyết cho kơ-toang đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 54 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh). Bà Hương là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Tuy nhiên, hiện nay, bà rất trăn trở vì thanh, thiếu niên bây giờ ít quan tâm đến nhạc cụ này, phần vì loại nhạc cụ này khó học, phần vì phải đánh trống trực tiếp bằng tay (không dùng dùi) nên khá đau tay, mất sức. Phần nữa, nghệ thuật trình diễn trống kơ-toang chưa được chính quyền địa phương và ngành Văn hóa của huyện quan tâm đúng mức. Các lớp đào tạo, hướng dẫn cách chơi trống kơ-toang cho các thế hệ trẻ người Chăm H’roi lâu nay không được tổ chức. Hiện nay, việc truyền nghề chỉ diễn ra trong gia đình, theo kiểu cha, mẹ truyền, con theo học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số nghệ nhân chơi thạo trống kơ-toang hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài già Lê Văn Ru, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương chỉ có anh Lê Văn Tây, Nguyễn Văn Anh (khu phố Canh Tân), Đinh Thị Mãnh (khu phố Tân Thuận), Đinh Văn Bằng (làng Canh Tiến, xã Canh Liên), Thanh Văn Oải (làng Canh Thành, xã Canh Hòa)…

Để bảo tồn, lưu giữ tiếng trống kơ-toang, các nghệ nhân mong muốn chính quyền địa phương, ngành Văn hóa tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa trống hoặc mua các đôi trống mới thay thế cho các trống đã cũ, hư hỏng. Đồng thời, cơ quan chức năng quan tâm mở các lớp đào tạo, truyền dạy cách đánh trống kơ-toang cho thế hệ trẻ có niềm đam mê, nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống này.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Huyện cũng đã có chủ trương, khuyến khích phát triển công tác truyền dạy loại nhạc cụ trống kơ-toang truyền thống trong cộng đồng người Chăm H’roi. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho lớp trẻ thông qua các khóa học chơi trống; bình xét và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nghệ nhân trống kơ-toang cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển loại nhạc cụ độc đáo này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.