Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, bố mẹ làm nông nghiệp tại thôn Nà Mười, xã Đồng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Học hết lớp 9, cơ duyên đã đưa cô gái Nông Thị Minh Hằng đến với nghệ thuật múa. Lớn lên từ bản làng, từ khi sinh ra chị đã được tiếp xúc với cây tính tẩu và những làn điệu dân ca truyền thống: then, sli, lượn… những buổi tập luyện văn nghệ của các bác, các cô trong đội múa của bản làng đã ngấm sâu vào máu thịt, tiềm thức của chị.
Nhớ lại những năm tháng học tập tại Học viện Múa Việt Nam, Minh Hằng tâm sự: “Để trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp vất vả lắm, mồ hôi ướt đẫm áo, những lúc tai nạn nghề nghiệp bong gân, rỉ máu vì lăn lộn dưới sàn tập, người oải đến không bước nổi nhưng vẫn gượng dậy tiếp tục tập luyện”. Dường như Minh Hằng sinh ra là để múa, những lần vấp ngã, những khó khăn không khiến chị chùn bước mà trái lại còn rèn giũa, tôi luyện đưa chị đến gần với đỉnh vinh quang.
Và rồi những ngày tháng ấy cũng qua đi, những nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng, ước mơ ngày nào cũng trở thành hiện thực. Năm 1997, Minh Hằng tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, vừa ra trường chị đã được nhận về công tác tại Đoàn Văn công (Cục chính trị Quân khu 3), đóng quân tại thành phố Hải Phòng.
Dẫu biết, là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nhiều thiệt thòi, gian khổ hay phải lưu diễn xa nhà để phục vụ các chiến sĩ, nhân dân 9 tỉnh trong Quân khu, nhưng bản thân chị luôn sẵn sàng và tiên phong nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Khi chuẩn bị các cuộc tham gia Hội diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp, NSƯT Nông Thị Minh Hằng luôn sẵn sàng một tâm thế solo trong các màn biểu diễn, bởi biên đạo nào cũng rất tin tưởng và kỳ vọng ở chị. Mỗi khi được đảm nhận múa chính, chị lại trăn trở, suy nghĩ và biểu diễn sao cho động tác kết hợp hình thể, gương mặt biểu cảm, nhập tâm để khán giả được mãn nhãn nhất. Cái khó của một diễn viên múa Solo trong tập thể là làm sao toát lên được ý tưởng của người biên đạo, thể hiện thế nào cho ra chất của cánh chim đầu đàn trên sân khấu.
Ở cương vị đội trưởng Đội múa, hằng ngày chị luôn bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho các diễn viên trong Đoàn. Mỗi lần lưu diễn chị lại chắt chiu những chất liệu tinh tuý nhất từ những điều rất đỗi mộc mạc, giản đơn. Đặc biệt, sự khiêm nhường và tình yêu cuộc sống, yêu lao động của đồng bào luôn là chất men say, sống động… giúp chị bung tỏa những cảm xúc thăng hoa.
Không chỉ là một diễn viên múa xuất sắc, chị còn toát lên tố chất biên đạo với thiên hướng nghệ thuật cao. May mắn có ông xã cùng nghề nên những tác phẩm múa của anh chị được đầu tư, chau chuốt kỹ lưỡng với những ý tưởng độc, lạ, được khai thác từ chất liệu múa dân gian dân tộc để tham gia các cuộc thi do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Nhiều tác phẩm múa chị biên đạo được Hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao tại các cuộc thi như: “Kháp ông trâu” giải A cuộc thi Tác phẩm Múa các dân tộc Việt Nam; “Tễu đời” Giải A cuộc thi sáng tác múa Hài Việt Nam lần thứ nhất năm 2018 do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức.
Trong suốt 24 năm theo nghề múa, chị đã cống hiến không biết mệt mỏi và được các cấp ghi nhận đánh giá cao với nhiều huy chương Vàng, Bạc và Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Năm 2019, chị được Đảng, Nhà nước vinh danh danh hiệu NSƯT. Nông Thị Minh Hằng còn là đại biểu quân đội dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Ở bất kỳ chương trình nào, khán giả cũng dễ dàng nhận ra nét tinh tế, bay bổng rất “phiêu” của một biên đạo múa nữ. Với chị, sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả luôn là động lực để chị tha thiết yêu nghề, cháy hết mình với những đam mê và để giữ gìn, tôn vinh và lan toả, trao truyền những sắc thái văn hoá đầy tự hào của quê hương Bắc Kạn.