Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người khai thác “mỏ vàng” nghệ thuật Chăm

Kiều Maily - Ngân Nhi - 12:28, 17/09/2021

Múa Chăm là một loại hình nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Ngày xưa, múa Chăm thường gắn liền với lễ hội dân gian và chỉ được trình diễn ở những không gian linh thiêng như đền, tháp. Sau này, nghệ thuật múa Chăm được đưa lên sân khấu trình diễn, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Một trong những người có công lớn đưa múa Chăm lên sàn diễn chính là NSND Đặng Hùng.

Điệu múa Apsara của người Chăm (Ảnh: Quang Luật)
Điệu múa Apsara của người Chăm (Ảnh: Quang Luật)

Nói đến múa Chăm, tên tuổi được biết đến nhiều nhất là NSND Đặng Hùng. Ông sinh ra và lớn lên trên đất võ Bình Định có nền văn hóa tuồng truyền thống, nên nghệ thuật múa ăn sâu vào tâm hồn ông. Từ năm 1954, ông đã tham gia các hoạt động nghệ thuật. Sau năm 1975, ông công tác tại Đoàn Ca múa Thuận Hải, từ đó ông thăng tiến nhanh và vững chắc trên con đường sáng tạo.

NSND Đặng Hùng bước vào nghệ thuật với nghề diễn viên múa và biên đạo múa. Ông đã chọn và liên tục phấn đấu sáng tạo không ngừng nghỉ, dù đời sống và nghề nghiệp với ông còn lắm gian truân, nhưng bằng nỗ lực và tài năng của mình, ông đã trở thành một nhà biên biên đạo múa có tên tuổi trong làng múa Việt Nam. Đến nay, ông đã sáng tác gần 300 tác phẩm múa và 4 tác phẩm thuộc thể loại kịch khác nhau: Múa đơn, Múa đôi, Múa tập thể, kịch múa…

Điểm mạnh trong sự tìm tòi sáng tạo của ông là dựa trên chất liệu các điệu múa dân gian dân tộc như: Raglai, Cơ Ho, Khmer, Chăm. Hơn mười năm, ông đã đi vào các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận để “đãi cát tìm vàng” trên vùng đất chứa đựng nhiều kho tàng văn hóa quý giá này. Với tâm huyết, trí tuệ và giàu trí tưởng tượng, bằng sự tiếp nhận và sáng tạo riêng, nghệ sĩ Đặng Hùng đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm sáng giá trên diễn đàn múa Việt Nam, gây ấn tượng mạnh, đó là Múa khát vọng, Múa quạt Chăm, Múa chiếc khăn Maom… Những tác phẩm đã đưa ông đến vinh quang với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.

NSND Đặng Hùng
NSND Đặng Hùng

Riêng Múa Khát Vọng là một tác phẩm đặc sắc của NSND Đặng Hùng. Ở tác phẩm này, ông đã biến những tượng đá cổ như Apsara, Shiva đứng trầm tư thành những tượng đá biết nói, có hồn và đầy sức sống. Với điệu múa cung đình Chăm được NSND Đặng Hùng lấy cảm hứng từ các thao tác múa của những tác phẩm điêu khắc Champa xưa. Ông giải mã chúng và rút tỉa tổng hợp được 8 thế tay và 4 thế chân, bên cạnh kết hợp với vài thao tác múa dân gian để thành múa cung đình Chăm.

Điệu múa Chăm rất đa dạng và phong phú về thể loại, đặc biệt là loại hình sân khấu vốn đã có mầm mống về lối kể chuyện trong kho tàng văn học dân gian Chăm. Tác phẩm đầu tiên được đánh dấu bước ngoặt mới là kịch “Bà Ni - Bà Chăm” mang nét đặc trưng sân khấu ca kịch, do Đội văn nghệ không chuyên Ninh Phước biểu diễn. Sau đó năm 1988, kịch hát “Lửa tình yêu” được biểu diễn trong liên hoan kịch hát tại Hà Nội, do Đoàn ca múa Thuận Hải dàn dựng, được đánh giá cao và xếp hạng  loại A.

Ngoài lĩnh vực sáng tác, múa, ông còn là tổng đạo diễn nhiều chương trình lễ hội, có quy mô lớn. Tên tuổi của ông gắn với những tác phẩm nổi trội đặc sắc. Ông đạt được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế gồm: 2 Huy chương vàng quốc tế, 41 huy chương vàng quốc gia, 32 huy chương bạc quốc gia, 21 Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Đó là những dấu ấn, những nét son trên chặng đường hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật  của ông.

Tác giả Kiều Maily biểu diễn điệu múa trên tháp
Tác giả Kiều Maily biểu diễn điệu múa trên tháp

Trở lại thời kỳ học tập, vào năm 1954, ông theo Đoàn Văn công Liên khu V tập kết ra Bắc. Dù ước mơ được trở thành diễn viên múa nhưng ông chỉ được cử đi học lớp phóng thanh. Rồi ra trường chuyển sang làm hậu đài. Nhưng định mệnh và cơ may đã không từ chối ông. Năm 1958, lớp múa đầu tiên là tiền thân của Trường Múa Việt Nam hình thành, do chuyên gia người Triều Tiên Chu Huệ Đức trực tiếp giảng dạy. Dù biết không tới lượt mình nhưng vì lòng đam mê, ông tìm cách gia nhập bằng được lớp học này. Là học viên múa, ông hơn hẳn bạn bè  nhờ năng khiếu bẩm sinh cùng tính kiên trì.

Sau khi đất nước thống nhất, ông được Bộ Văn hóa phân công về xây dựng lại Đoàn Văn công Chăm Thuận Hải. Chính ở đất Tam Phan (Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết) là đất cho tài năng ông đặt nền móng để từ đó cất cánh. Ông đi vào nghệ thuật múa bằng cả bốn chuyên ngành cùng một lúc: Biểu diễn, giảng dạy, nghiên cứu lý luận và sáng tác. Cả 4 chuyên ngành này điều hỗ trợ cho nhau, hoà quyện thành một tổng hoà, ở chuyên ngành nào ông cũng gặt hái được những thành tựu lớn, được đánh giá rất cao.

Ông nói “Do lòng say mê nghệ thuật của tôi và tôi rất mê những điệu múa Chăm ở Bình Định. Càng học tập, nghiên cứu, tôi càng thấy văn hóa Chăm là cả một di sản tinh thần vô giá, một mỏ vàng cần được khai thác thận trọng, nghiêm túc.”

Thật vậy, nghệ thuật múa Chăm được biết nhiều ngày nay, công lớn phải thuộc về NSND Đặng Hùng. Cây bút trẻ Thu Hoài nhận xét khá chí lý: “Thuận Hải (nay là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận - pv) như những mỏ vàng, những người làm công tác nghệ thuật Thuận Hải đã biết khám phá khai thác, không những chọn lọc được vàng mà đã tìm được những hạt kim cương quý giá…”

NSND Đặng Hùng là người biết khai thác "mỏ vàng" ấy và không ngừng sáng tạo, để  đưa múa Chăm trở thành là loại hình nghệ thuật tầm cao trong nền nghệ thuật múa các dân tộc Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.