Giọng đọc vàng tuổi đôi mươi…
NSND Tuyết Mai- tên thật là Bùi Thị Thái - gia nhập Hội Phụ nữ cứu quốc, tham gia các hoạt động trong vai trò ca sĩ. Giọng hát của bà vang lên ở khắp nơi: phòng trà, đường phố, các sự kiện cổ động, động viên đồng bào, chiến sĩ... Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập tháng 9/1945, bà được chọn thu âm những ca khúc đầu tiên. Nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm, đặc biệt là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh... Bởi thế, mỗi lần đón khách quốc tế, ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội bấy giờ - đều mời bà đến hát.
Năm 1958, từ địa điểm sơ tán về Hà Nội, bà xin chuyển sang làm phát thanh viên, lấy nghệ danh Tuyết Mai - theo tên con gái thứ ba. Mùa xuân năm ấy, giọng bà lên sóng, được thính giả yêu mến bởi sự rõ ràng, chuẩn mực, thanh thoát, mượt mà.
Thời chiến, bà được giao đọc các tin tức chính trị quan trọng, cùng một số giọng nam như Việt Khoa, Trần Phương... Sau này, nghệ sĩ gắn bó loạt chương trình Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc... Từ Bắc vào Nam, nơi đồi núi đến hải đảo xa xôi... giọng đọc Tuyết Mai da diết tựa kể chuyện,sâu lắng, chất chứa tâm tình.
Trong bài phỏng vấn năm 2010, nghệ sĩ Tuyết Mai nói về kỷ niệm được giao đọc bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bà nghẹn ngào, xúc động, trong khi lãnh đạo yêu cầu phát thanh viên không được khóc trên sóng. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài nhận xét: "Đài Tiếng nói Việt Nam cần phải chuẩn mực về cách phát âm. Có một giọng nói đạt đến mức chuẩn mực mà tôi công nhận đấy là giọng chị Tuyết Mai".
Nghệ sĩ Hà Phương - đàn em, đồng nghiệp thân thiết của Tuyết Mai - nói đàn chị là người sành điệu về âm thanh. Bà được trời phú cho khả năng cảm nhạc tinh tế, xuất thân là ca sĩ, có chồng, con là nhạc sĩ nên nghe chuẩn và phát âm hay.
Thuở còn là phóng viên chiến trường ở Nghệ An, mỗi lần có bài, Hà Phương lại đạp xe hơn 400 km ra Hà Nội nộp cho đài, thường được Tuyết Mai đọc luôn. Khi nghe tác phẩm, ông xúc động, không nghĩ bài viết của mình lại có hồn, rực lửa như vậy. Hà Phương nói: "Đối với tôi khi đó là một vinh hạnh vì giọng đọc của chị giúp nâng chất lượng tác phẩm, mang đến nhiều cảm xúc. Bấy giờ nhiều nhà văn, nhà thơ đều muốn được Tuyết Mai thể hiện tác phẩm của mình".
Khổ luyện mà thành
Nghệ sĩ Hà Phương nhớ lại mỗi buổi sáng, bà thường dậy sớm luyện thanh, tập thở theo phương pháp của các ca sĩ. Những giờ nghỉ, khi tay thoăn thoắt đan len cho con, bà vẫn tranh thủ luyện khẩu hình, cách phát âm, nhả chữ. Trước giờ thu, nghệ sĩ luôn đọc kỹ kịch bản, đánh dấu từng chỗ ngắt, nghỉ, lấy hơi sao cho chuẩn xác. Đến ngày về hưu, bà vẫn nghe lại băng thu thanh của mình để tìm lỗi sai, rút kinh nghiệm. Bà cũng cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt nhằm bảo vệ cổ họng, giữ thanh âm ở mức đẹp nhất.
Mọi người ở đài hay gọi nghệ sĩ là mọt sách, bách khoa toàn thư. Trong túi của bà, lúc nào cũng có một vài cuốn, đủ thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến khoa học, chính trị. Bà đọc để bổ sung kiến thức, hiểu và truyền tải thông tin chính xác nhất. Nhờ vậy, nghệ sĩ biến hóa linh hoạt khi đọc các chương trình văn nghệ và chính luận - hai thể loại đối lập.
NSND Tuyết Mai là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đợt I năm 1984, danh hiệu NSND năm 1993.
Trong hơn hai mươi năm kể từ lúc bà nghỉ hưu, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn sử dụng lời xướng của bà trong nhạc hiệu của nhiều chương trình như: Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya.
Riêng lời xướng cho buổi Đọc truyện đêm khuya và tiết mục Tiếng thơ đã 40 năm trôi qua, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn chưa tìm được giọng đọc thay thế.
Con gái NSND Tuyết Mai - Nhạc sĩ Phan Tuyết Minh cho biết, ngày 4/3, gia đình phát hiện NSND Tuyết Mai mắc COVID-19 và có biểu hiện sốt. Sau đó, gia đình đã đưa bà vào viện Xanh Pôn điều trị nhưng do tuổi cao sức yếu nên NSND Tuyết Mai đã không qua khỏi. Bà qua đời đêm 5/3, hưởng thọ 98 tuổi. Tang lễ NSND Tuyết Mai được tổ chức từ 7h ngày 10/3 tại nhà riêng số 5 Trần Phú và hỏa táng cùng ngày tại đài hóa thân Hoàn Vũ - Văn Điển, Hà Nội.