Tận dụng lợi thế từ cây dừa
Hưng Phong là xã cù lao nằm giữa sông Hàm Luông, cách trung tâm tỉnh Bến Tre khoảng 15 km. Trước đây, mọi sinh hoạt, kinh doanh mua bán, sản xuất, trao đổi hàng hóa chỉ bằng phương tiện giao thông thủy, nhưng nay các phương tiện vận tải đường bộ đều có thể đến “ốc đảo” này dễ dàng sau 30 phút.
Ông Huỳnh Văn Út, ngụ tại ấp 1, xã Hưng Phong kể: “Cù lao này có đến 85% đất nông nghiệp chuyên trồng dừa. Những năm trước, người dân chỉ mưu sinh bằng cách bán dừa tươi và dừa khô cho thương lái nên thu nhập không đáng kể, thường rơi vào điệp khúc “trúng mùa rớt giá”. Gần 15 năm qua, cù lao này xuất hiện mô hình sản xuất thạch dừa nên đời sống bà con khấm khá hơn nhiều”.
Ông Út giải thích thêm, có 2 dạng chế biến thạch dừa là: Thô và tinh. Thô có nghĩa là mình lấy nước dừa ủ lại, cho lên men và bán cho người sản xuất, tinh là dùng nguyên liệu thô để chế biến thạch dừa hoàn chỉnh, cung cấp cho người tiêu dùng. Trước đây, đã có một số hộ ở Hưng Phong sản xuất thạch dừa tinh nhưng sau đó không cạnh tranh được với các cơ sở chế biến tại TP. Bến Tre. Từ đó, người dân Hưng Phong chỉ sản xuất và cung ứng thạch dừa dạng thô cho thương lái, nhiều nhất là TP. Bến Tre, Tiền Giang, Trung Quốc, Campuchia...
Theo tính toán của nhiều người sản xuất, bình quân mỗi công đất trồng dừa dừa (1.000 mét vuông) có độ tuổi trên 10 năm, nếu thu hoạch trái sẽ thu lãi từ 11 đến 12 triệu đồng, nhưng nếu để sản xuất thạch dừa thô sẽ có lãi từ 15 đến 18 triệu đồng. Nghề chế biến thạch dừa đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ, hạn chế rất nhiều tình trạng ly nông, ly hương trong nhiều năm qua.
Chị Kim Sung, ngụ tại ấp 2 xã Hưng Phong kể: “Nhà không có đất sản xuất nên 2 vợ chồng tôi gửi 2 đứa con cho bên nội trông nom để lên Bình Dương kiếm sống. 10 năm trở lại đây, chúng tôi làm thạch dừa cho một cơ sở, bình quân mỗi ngày kiếm được từ 320.000 đến 400.000 đồng, tùy thuộc thời vụ, cuộc sống rất ổn định, lại có điều kiện chăm sóc các con”.
Cần siết chặt quản lý
Tuy có được những lợi thế cơ bản nhưng đã có một thời gian dài, nghề sản xuất thạch dừa thô ở Hưng Phong tưởng như đã phải xóa bỏ vì một số cơ sở chế biến làm ẩu, sản xuất thạch dừa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể là một số cơ sở sản xuất thạch dừa tinh do hám lợi nên đã pha chế nhiều nước, phụ gia để tăng sản lượng. Nguy hiểm nhất là đã có cơ sở dùng 2 loại hóa chất có tên gọi là SA và DP để làm dai thạch dừa, tạo màu sắc bắt mắt cho sản phẩm này cùng với việc hòa tan đường chảy, nước lã cho vào cối quay li tâm để thu về thạch dừa tinh. Những cơ sở chế biến này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, tuy nhiên sự gian dối đó cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín những cơ sở làm ăn chân chính, bảo đảm chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Long, một trong những cơ sở chế biến thạch dừa thô ở Hưng Phong cho hay: “Nghề truyền thống này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở cù lao Hưng Phong. Để hạn chế tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, của một số cơ sở sản xuất, làm ảnh hưởng tới uy tín làng nghề, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần phải siết chặt quản lý, xử phạt nghiêm minh, công khai các cơ sở làm ăn gian dối. Đồng thời có thêm nhiều chính sách để thạch dừa thô Hưng Phong phát triển nhiều hơn, tốt hơn, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước”.