Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi nghiệp từ mật hoa dừa

PV - 10:43, 31/07/2019

Travinh Farm là doanh nghiệp được thành lập từ tâm huyết của cô gái trẻ Thạch Thị Chal Thi, dân tộc Khmer, ở Khóm 2, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Ước mơ gia tăng giá trị của trái dừa miền Tây, giúp bà con nông dân quê nhà nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, Thạch Thị Chal Thi mày mò, nghiên cứu cho ra mắt nhiều sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa, được nhiều khách trong và ngoài nước ưa chuộng

Chị Thạch Thị Chal Thi khởi nghiệp từ mật hoa dừa. Chị Thạch Thị Chal Thi khởi nghiệp từ mật hoa dừa.

Thạch Thị Chal Thi, xuất thân từ một gia đình nông dân, cuộc sống chỉ biết trông vào ruộng lúa vườn dừa, hơn ai hết, Thạch Thị Chal Thi thấu hiểu sự vất vả của bà con trồng dừa ở Trà Vinh. Là một người con dân tộc Khmer ở Trà Vinh học được lên đến đại học, rồi cao học. Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, cô gái trẻ từ chối nhiều cơ hội việc làm ở thành phố quay lại với đồng đất quê hương.

“2017 là năm giá dừa dưới miền Tây sụt giảm cực mạnh, 12 trái mà bán được có 25 ngàn, đồng nghĩa là 1 vườn dừa một tháng chỉ thu có 2 triệu. Nông dân trồng dừa 6-7 năm mới có thu hoạch, nhìn cây dừa trên mảnh vườn nhà mình mà thấy xót xa, thương cho người nông dân. Nhìn sang nước bạn như Thái Lan, Indonesia, Philippines…em thấy họ đã có sáng kiến tăng giá trị cho trái dừa bằng việc thu mật từ hoa dừa, em nghĩ rằng, mình cũng có thể làm được như thế từ trái dừa Trà Vinh”, Thi chia sẻ.

Từ ý tưởng, tâm huyết, tri thức học được… Công ty trách nhiệm hữu hạn Travinh Farm của nữ doanh nhân trẻ đã được thành lập. Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, Travinh Farm đã chính thức sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa như: đường mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa ngào ca cao. Hoạt động của Công ty thu hút khá đông lực lượng lao động là người Khmer tại địa phương tham gia, với thu nhập đạt 6 triệu đồng/tháng…

Thạch Thị Chal Thi chia sẻ, mật hoa dừa được tiết ra từ những bông hoa dừa. Để lấy được thứ mật này, khi hoa dừa chuẩn bị nở, người thợ phải bó bông dừa lại, rồi dùng dao đập nhẹ để kích thích cho bông dừa tiết mật. Hoa dừa có vị ngọt thanh, chỉ số đường huyết thấp hơn nhiều so với mật ong hay đường mía, đồng thời, có hàm lượng khoáng cao, thích hợp để những bệnh nhân tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người mới ốm dậy bồi bổ cơ thể. Tại những đô thị lớn, hay những quốc gia phát triển phong trào thực dưỡng, phòng chống ung thư, mật hoa dừa và các sản phẩm từ mật hoa dừa rất được ưa chuộng.

Công nhân của Công ty đang lấy mật hoa dừa. Công nhân của Công ty đang lấy mật hoa dừa.

Chị Thi cũng cho biết, đây là sản phẩm tương đối mới ở Việt Nam. Tại Trà Vinh, thời gian này hết sức thuận lợi để khai thác mật hoa dừa, bởi dừa Trà Vinh mới ở độ tuổi từ 4-6 năm, cây dừa còn thấp, đảm bảo an toàn cho thu mật. Chị Thi đã trồng thử nghiệm 2ha theo hướng nông nghiệp sạch. Mô hình này đã gây ấn tượng mạnh cho nhiều đoàn khách quốc tế ghé thăm quan, không chỉ vì tính mới mẻ của sản phẩm, mà ở việc áp dụng quy trình làm sản phẩm nông nghiệp sạch. Vườn dừa được canh tác theo theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác vùng nguyên liệu, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Ngoài ra, cô gái trẻ Thạch Thị Chal Thi đang tiếp tục mở rộng liên kết với các nông hộ, đưa vào trồng mới những giống dừa cho sản lượng mật cao. Theo tính toán, với mức giá dừa thô hiện tại, mỗi nông hộ chỉ thu khoảng 1-2 triệu đồng/tháng nếu bán quả. Còn thu mật bán cho Travinh Farm, có thể đạt thu từ 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là hướng phát triển lâu dài cho cây dừa Trà Vinh khi là vùng nguyên liệu dừa đứng thứ 2 Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm từ mật hoa dừa của Travinh Farm đã được nhiều khách hàng ở các thành phố lớn như Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Hà Nội,… đón nhận. Một số khách du lịch nước ngoài khi đến địa phương cũng đã tìm mua sản phẩm của Thi đem về làm quà tặng.

“Khi phong trào thực dưỡng, sống xanh ngày càng được nhiều người ưa chuộng như hiện nay, tôi tự tin rằng trái dừa Trà Vinh sẽ giúp bà con trên quê hương mình sớm thoát nghèo”, Thạch Thị Chal Thi tự tin nói.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.