Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề đan lưới ở Vĩnh Lại

PV - 16:11, 03/10/2021

Từ xa xưa, làng Lời và làng Văn Điểm, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã nổi tiếng khắp vùng với nghề đan lưới gai.

Ông Nguyễn Quốc Nghị và bà Lê Thị Diệp - khu 3, xã Vĩnh Lại đều có gần 80 năm làm lưới gai
Ông Nguyễn Quốc Nghị và bà Lê Thị Diệp - khu 3, xã Vĩnh Lại đều có gần 80 năm làm lưới gai

Ông Nguyễn Chí Thao - Bí thư Chi bộ khu 3, làng Văn Điển nhớ lại: Trước kia, hai làng Văn Điểm và Lời có khoảng 600 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng có người đan lưới. Thậm chí bà con còn gồng gánh, đạp xe hoặc đi tàu mang lưới sang tận Hòa Bình, Sơn La và những nơi có đầm hồ để bán... Nghề đan lưới ở làng cũng nổi tiếng từ đó. Giờ đây, nghề đan lưới tuy không còn phát triển rầm rộ như trước, nhưng đây vẫn là công việc được nhiều bà con lựa chọn để làm mỗi lúc nông nhàn…

Nghề đan lưới không yêu cầu kỹ thuật quá cao, người già hay trẻ nhỏ, chỉ cần chăm chỉ, cần cù thì đều có thể làm được. Để đan được lưới, trước tiên, người ta lấy vỏ cây gai để vê làm sợi. Trong quá trình vê sợi, cho gio trấu vào đĩa để đỡ rát tay. Các sợi gai sau khi vê xong được xe lại với nhau thành sợi dài rồi đem đi đánh thành cuộn... Cuối cùng, lấy dây đã đánh cuộn để đan các loại lưới, chúm và một số dụng cụ bắt cá khác.

Nghề đan lưới ở Vĩnh Lại đã có từ rất lâu đời, người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm
Nghề đan lưới ở Vĩnh Lại đã có từ rất lâu đời, người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm

Ông Nguyễn Quốc Nghị - khu 3, xã Vĩnh Lại cho biết: “Tôi năm nay 83 tuổi, bắt đầu tập đan lưới từ khoảng 5 - 6 tuổi... Mặc dù là nghề phụ, nhưng là nghề truyền thống của làng, được mọi người trong làng rất ưa thích. Thời điểm phát triển của nghề là khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, có những hộ đan lưới, vó bán mà xây được nhà mái bằng, lợp được ngói mới... Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng tôi và nhiều người dân trong làng vẫn muốn lưu giữ nghề truyền thống này”.

Được biết, nghề đan lưới hiện nay có thu nhập không cao. Nếu một chiếc vó bằng dây dù, người đan giỏi chỉ mất khoảng 2 ngày thì đan bằng sợi gai phải mất ít nhất từ 3 - 4 ngày. Từ sợi gai, có thể đan vó cất cá và các loại lưới thả khác. Giá một tấm lưới gai hiện nay khoảng hơn 100.000 đồng, làm bằng dù thì chỉ khoảng 60.000 - 70.000 đồng, nên người mua có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, lưới bằng gai bền và chắc hơn dây dù. Lưới sau khi đan xong thường được bán tại các buổi chợ phiên Vĩnh Lại.

Việc đan lưới gai ở đây giờ không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà nó đã trở thành nghề truyền thống không thể thiếu, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng và góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Hy vọng rằng, thời gian tới, nghề đan lưới gai ở Vĩnh Lại sẽ tiếp tục được quan tâm, gìn giữ để nó có thể trường tồn cùng với thời gian và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây…/.