Theo thống kê từ UBND huyện Kỳ Sơn, hiện nay toàn huyện có 2 bản được công nhận là làng nghề truyền thống, là bản Na (xã Hữu Lập), bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn). Đó là niềm vui đối của đồng bào Thái ở Kỳ Sơn với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, còn có nhiều nghề đặc sắc của các dân tộc khác vẫn chưa được công nhận, như đan lát (dân tộc Khơ mú), rèn (dân tộc Mông)… Đây cũng chính là trăn trở và niềm mong ước của nhiều bà con vùng cao.
Bản Na (xã Hữu Lập) là nơi sinh sống lâu đời của 131 hộ dân tộc Thái. Người dân ở đây không ai còn nhớ nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ, mà chỉ biết rằng, nghề này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chị Lô Thị Mai, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm của làng nghề cho hay: “Trước đây, phụ nữ trong bản dệt váy áo chủ yếu để dùng trong gia đình. Từ khi làng nghề được công nhận, các sản phẩm làm ra ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nhiều gia đình không phải chịu vất vả như trước nữa mà đã có của ăn của để nhờ vào nghề dệt thổ cẩm”.
Theo tìm hiểu, được biết từ năm 2014, Chi hội Phụ nữ của bản đã thành lập 1 Tổ dệt gồm 30 chị em. Các thương nhân ở Lào đã tìm đến đặt hàng bằng việc cấp nguyên liệu để thuê chị em dệt. Thu nhập trung bình của mỗi thành viên trong Tổ từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Dựa vào nghề dệt thổ cẩm, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo và có kinh tế khá giả. Đến nay, hộ nghèo của bản đã giảm xuống còn 28%.
Không chỉ bản Na, nhiều bản đồng bào Thái trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng đang phát triển mạnh nghề dệt thổ cẩm như Nậm Cắn, Phà Đánh, Mỹ Lý… Tuy nhiên, điều trăn trở của nhiều hộ dân là tuy sản phẩm làm ra lớn nhưng thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Anh Đoài, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn, khó khăn lớn nhất bây giờ là đầu ra cho các sản phẩm dệt thổ cẩm. Do quen với cách dệt truyền thống nên các sản phẩm bà con làm ra mẫu mã không đa dạng, dẫn đến sức cạnh tranh kém.
Ngoài nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, đồng bào Khơ mú trên địa bàn Kỳ Sơn cũng có nghề đan lát truyền thống. Những sản phẩm của đồng bào làm ra mang dấu ấn đặc sắc của dân tộc như mâm cơm, ghế ngồi… Hiện tại, khắp các bản làng có người Khơ mú sinh sống đều có nghề đan lát, tuy nhiên không tập trung và quy mô còn nhỏ. Bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm) là nơi tồn tại nghề đan lát với quy mô lớn với 100% hộ dân tham gia, nhưng hiện vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống.
Ông Lương Văn Hiền, Bí thư Chi bộ bản Đỉnh Sơn cho biết: “Nghề đan lát vốn đã tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng người Khơ mú. Tại bản, hầu như ai cũng biết đan lát, từ trẻ đến già, từ đàn ông đến phụ nữ đều thành thạo nghề này”.
Ngoài đan lát của đồng bào Khơ mú, dệt của đồng bào Thái, đồng bào Mông Kỳ Sơn lâu nay luôn duy trì nghề rèn dao. Tại các xã như Nậm Càn, Nậm Cắn, Tà Cạ, Tây Sơn, Mường Lống… nghề rèn được phát huy rất tốt. Với những bí quyết trong nghề rèn, dao của đồng bào Mông được khách hàng gần xa mua về sử dụng hoặc trưng bày. Đây cũng chính là lợi thế nếu như nghề truyền thống này được tổ chức với quy mô lớn và giới thiệu rộng rãi.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn và giới thiệu rộng rãi hơn các mặt hàng truyền thống này ở các thị trường khác”, ông Nguyễn Anh Đoài cho hay.