Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Từng bước hiện thực hóa mục tiêu xóa nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Nguyễn - 17:57, 25/09/2024

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III, năm 2019 tỉnh Nghệ An hướng đến, là giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Mục tiêu ấy đã được các cấp, ngành và đồng bào các DTTS Nghệ An quyết liệt thực hiện trong những năm qua.

Đời sống người dân vùng DTTS Nghệ An ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực (Trong ảnh: Bản Mường Lống, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn)
Đời sống người dân vùng DTTS Nghệ An ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. (Trong ảnh: Bản Mường Lống, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn)

Lấy sức người vượt sức thiên nhiên

Sở hữu địa thế khó khăn vào bậc nhất cả nước, với hơn 98% diện tích đồi núi dễ sạt trượt, nên việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ở vùng đất biên thùy Kỳ Sơn là điều không hề đơn giản. Nhưng, trở ngại của thiên nhiên không hề làm nhụt chí những lão nông miền sơn cước hay lam hay làm.

Câu chuyện người đàn ông Khơ Mú Moong Phò Ngọc ở bản Khánh Thành, xã tiền tiêu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là một ví dụ. Nhận thêm vùng đất hoang vu dưới chân khe Cắn, ông Ngọc đã cần mẫn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ngoài 24ha đất rừng phòng hộ nhận khoanh nuôi, là những bò, lợn, gà và dê. Hôm chúng tôi ghé thăm, đàn dê có đến mấy trăm con, vây lấy ông Ngọc, đòi ăn.

Ông Ngọc kể: Nhiều bận vật nuôi chết hết vì dịch bệnh. Nhưng ta tìm hiểu kỹ tập tính từng loài, rồi mời cán bộ thú y tiêm phòng đầy đủ, phòng rét khi mùa đông về… nên đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Còn với Và Bá Ca – người đàn ông dân tộc Mông ở bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai - xã vùng biên của huyện Tương Dương, lại mang đến cho nhiều người cảm hứng về sự vượt khó, vượt khổ. Hôm gặp chúng tôi ở Thằm Thẩm, anh Ca đã rất hào hứng: Ta là dân “ở nhờ” thôi, nhà ta trước ở trên núi cao, thấy bản Thằm Thẩm đất đai thuận lợi, gần đường giao thông nên xuống xin đất dựng nhà khai hoang… để "đuổi" cái nghèo.

Đàn dê hàng trăm con của gia đình ông Moong Phò Ngọc
Đàn dê hàng trăm con của gia đình ông Moong Phò Ngọc

Bao mùa sương đi qua, sự chăm chỉ, chịu khó của anh Ca đã được đền đáp khi bình quân thu nhập mỗi năm là gần 200 triệu đồng. Gia đình anh hiện đã có trong tay mô hình chăn nuôi trâu, bò gần 40 con, hơn 1,5ha trồng đào, với thu nhập hằng năm từ bán cành đào khoảng 50-70 triệu đồng; trồng sắn cao sản với diện tích 1,5ha.

Câu chuyện của những người dân miền núi Nghệ An vượt khó, thi đua lao động sản xuất, không chỉ những cá nhân, mà nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác và ngay cả hợp tác xã cũng đang là những điển hình tiêu biểu.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hủa Na, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) là một ví dụ. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hủa Na Lang Văn Mão là người Thái. Anh chia sẻ: Anh em mình thành lập HTX là để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Muốn được tiêu thụ sản phẩm ở nơi xa hơn, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tốt hơn; thay vì mạnh ai nấy làm như trước.

Lang Văn Mão, một chàng trai 8X người dân tộc Thái đã cùng với bạn bè thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na (có trụ sở ở bản Tục Pang, xã Đồng Văn) để phát triển chăn nuôi cá lồng lòng hồ với nhiều giống cá bản địa có giá trị cao
Lang Văn Mão, một chàng trai 8X người dân tộc Thái đã cùng với bạn bè thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na (có trụ sở ở bản Tục Pang, xã Đồng Văn) để phát triển chăn nuôi cá lồng lòng hồ với nhiều giống cá bản địa có giá trị cao

Và rồi, những thành viên của HTX là những người trẻ 8X, 9X… nhưng đã sở hữu hàng chục lồng nuôi cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Mão hồ hởi: Khi chúng tôi thành lập HTX, thấy nghề nuôi cá lồng có hiệu quả, nhiều người từng bỏ quê đi làm ăn xa nay đã trở về để cùng chúng tôi gây dựng, phát triển HTX. Đó là điều rất đáng mừng.

Nội dung về xóa đói, giảm nghèo trong Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS Nghệ An lần thứ III đã được những con người miền Tây xứ Nghệ, hiện thực hóa bằng ý chí, bản lĩnh và tinh thần không ngại gian khó…

Quyết tâm “đuổi nghèo”

Bắt đầu từ việc hỗ trợ nguồn vốn từ các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS&MN. Tính đến 30/6/2024 thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội của toàn tỉnh, dư nợ các chính sách đặc thù cho đối tượng vùng DTTS&MN là trên 1.238 tỷ đồng, cho 26.408 hộ DTTS.

Có nguồn vốn vay, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, người dân vùng DTTS&MN đã mạnh dạn đẩy mạnh phát triển kinh tế. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực.

Điểm nhấn quan trọng, là đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS bằng nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả như: phát triển đàn trâu, bò, lợn, dê, gà đen, cá lồng; khoanh nuôi bảo vệ rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt có hiệu quả kinh tế; trồng tập trung vùng nguyên liệu mía, cà gai leo, gừng dưới tán rừng, bí xanh, bobo, ngô mật độ cao, rau an toàn…

Đồng bào DTTS Con Cuông được hỗ trợ bò giống để thoát nghèo
Đồng bào DTTS ở Con Cuông được hỗ trợ bò giống để thoát nghèo

Đến nay, vùng DTTS&MN Nghệ An có 298 HTX, trong đó có 173 HTX hoạt động có hiệu quả, tăng 84 HTX so với năm 2019. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình HTX với những cách làm mới, hiệu quả từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm. 

Những nhóm hộ phát triển sản xuất, kinh doanh đã dần hình thành nên những làng nghề với những sản phẩm đặc trưng. Đến nay, vùng DTTS đã có 236 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao; có 43 làng nghề; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giảm nghèo luôn là động lực đầy quyết tâm của đồng bào các DTTS&MN Nghệ An; nhưng cũng là nỗi trăn trở, day dứt của các cấp, ngành nơi đây. Ngoài cầm tay chỉ việc, phân công cơ quan đơn vị, cá nhân hỗ trợ, đỡ đầu cho những xã nghèo, bản nghèo, hộ nghèo…; thì việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội rất được chú trọng. 

Trong giai đoạn 2019-2024, vùng DTTS&MN đã đào tạo được 174.445 lượt người, giải quyết việc làm cho 89.913 người, xuất khẩu lao động 33.993 người.

Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương chú trọng phát triển chăn nuôi
Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương chú trọng phát triển chăn nuôi

Từ những giải pháp đồng bộ ấy, tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS&MN là rất đáng kể: cuối năm 2019 giảm 33.548 hộ nghèo, đạt  tỷ lệ 11,22%, cuối năm 2020 giảm 28.707 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 9,57%; cuối năm 2021 giảm  51.532 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 17,24%, cuối năm 2023 giảm  37.725 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 12,48%. 

Giai đoạn 2021-2023 giảm 4,76% tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo vượt mục tiêu mà Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ III đã đề ra (Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 3%/năm cho cả giai đoạn 2019-2024).

Cùng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách dân tộc và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,01 triệu đồng năm 2020 lên 48,6 triệu đồng năm 2023, trong đó vùng DTTS&MN ước đạt 34 triệu đồng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vi Văn Sơn hồ hởi: Trên hành trình góp phần làm khởi sắc vùng DTTS miền Tây xứ Nghệ, thì chính sách dân tộc đang phát huy hiệu quả tích cực. Một điều đáng phấn khởi nữa mà chúng tôi nhận thấy, đó là sự thay đổi trong tư duy làm ăn, phát triển kinh tế của bà con theo hướng chủ động, liên kết để phát triển bền vững.

Vùng DTTS&MN Nghệ An có 131 xã, trong đó 55 xã KV1, 76 xã KV3, không có xã KV2. Đây là địa bàn, đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu điều tra 53 DTTS năm 2019, dân số vùng DTTS&MN tỉnh Nghệ An có 1.197.628 người, chiếm 36%, trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 DTTS cùng sinh sống đan xen; tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã.  Có 05 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu