Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khởi sắc bản làng

“Cây dại” giúp người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo

T.Nhân - H.Trường - 20:18, 10/09/2024

Từ cây ớt trái nhỏ mọc dại trong rừng, người Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam đã đưa về trồng trên diện tích lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ớt A Riêu không chỉ là cây giảm nghèo cho nhiều hộ dân đồng bào, mà trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Từ “cây dại” trở thành cây giảm nghèo

Dưới cái nắng tháng 8 như đổ lửa, nhưng trên những cánh đồng ớt ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang (Quảng Nam), hàng chục người dân vẫn miệt mài nhặt từng trái ớt nhỏ bỏ vào gùi. Thời điểm này, cũng là lúc bước vào vụ thu hoạch chính cây ớt A Riêu.

Người dân vùng cao Quảng Nam thu hoạch ớt A Riêu
Người dân vùng cao Quảng Nam thu hoạch ớt A Riêu

Người Cơ Tu gọi cây ớt có trái nhỏ, vị cay nồng và có mùi thơm đặc trưng này là A Riêu, có nghĩa là chim chào mào. Theo người dân địa phương, trước đây loại ớt này chủ yếu mọc trên rừng, do chim chào mào ăn hạt sau đó thải ra, hạt ớt theo phân của chim chào mào rơi xuống đất, mọc tự nhiên, hưởng nước trời mà sinh trưởng, không cần chăm sóc vẫn ra trái quanh năm. Mỗi khi lên rẫy, người dân hái về ăn, thấy ngon hơn loại ớt bình thường nên ươm hạt trồng thử, cây phát triển mạnh và cho nhiều quả. Sau đó, nhiều bà con cùng trồng, mỗi nhà một ít, chủ yếu dùng làm gia vị hoặc ăn kèm trong các bữa ăn gia đình.

Sau này trồng nhiều, ăn không hết, người dân đem bán cho những thương lái dưới xuôi cũng được khoản tiền kha khá. Thấy có đầu ra, người dân trồng ngày càng nhiều và diện tích ớt A Riêu tăng lên đáng kể. Khoảng năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Mà Cooih ra đời, thu mua ớt cho bà con. Nhờ có đầu ra ổn định, nhiều hộ dân cải thiện được kinh tế từ ớt A Riêu”, ông Ating Ben, thôn Cutchơrun, xã Mà Cooih cho biết.

Cũng theo ông Ben, gia đình ông trồng được hơn 300 cây ớt A Riêu, hiện đã cho thu hoạch tốt. Tháng 3 hằng năm, gia đình ông phát rẫy trỉa hạt, thời gian chăm sóc khoảng 3-4 tháng là bắt đầu thu hoạch. Cứ khoảng 15 ngày hái một đợt, liên tiếp trong khoảng 6 tháng thì trồng lại cây mới.

 “Ớt sau thu hoạch sẽ bán cho HTX, khoảng 200.000-250.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trái vụ, có lúc giá lên đến 400.00/kg. Mỗi đợt, gia đình kiếm được khoảng 13 -15 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng trồng ớt xen trong các vườn keo, để tăng thêm thu nhập”, ông Ben chia sẻ thêm.

Nhờ trồng ớt A Riêu, ông Ating Ben có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm
Nhờ trồng ớt A Riêu, ông Ating Ben có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm

xã Mà Cooih, chị Arất Thị Ý là một trong những hộ trồng ớt A Riêu tiêu biểu của xã. Vợ chồng chị trồng khoảng 3.000 cây ớt, ngoài ra còn thu mua ớt của bà con để đóng bao bì, và bán ra thị trường các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi…Ớt sau khi thu hoạch, hoặc mua lại từ người dân, chị  Ý đem về lựa những trái ớt chín ra bỏ riêng, sử dụng những trái ớt xanh chất lượng. Ớt được rửa sạch, để ráo nước, cho vào thẩu nhựa với muối trắng theo tỉ lệ 85% là ớt và 15% muối.

Chị Ý cho hay: Hiện nay, các sản phẩm từ ớt A Riêu như ớt ngâm muối, ớt ngâm măng chua, và ớt bột tẩm gia vị. Giá bán cũng tùy theo từng sản phẩm, từ 50.000 – 200.000 đồng tùy theo loại. Với ớt tươi, thời điểm này giá bán ra tầm 250.000-300.000 đồng/kg. Với nhiều hộ dân ở Mà Cooih, từ việc trồng ớt A Riêu đã cho thu nhập hàng chục triệu, đến hơn trăm triệu đồng mỗi năm”, chị Ý cho hay.

Hỗ trợ người dân sản xuất bền vững

Hiện nay,  không chỉ ở Mà Cooih, cây ớt A Riêu đã được nhân giống và trồng đại trà ở nhiều xã thuộc các huyện vùng cao Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My. Tuy nhiên, theo ông A Lăng Diên, Giám đốc HTX lâm nghiệp Mà Cooih, ớt A Riêu trồng xã Mà Cooih vẫn đậm vị hơn, thơm hơn những nơi khác.

Chị Arất Thị Ý sơ chế và đóng hộp ớt A Riêu để bán ra thị trường
Chị Arất Thị Ý sơ chế và đóng hộp ớt A Riêu để bán ra thị trường

Từ đầu năm đến nay, HTX đã hỗ trợ cho 10 hộ dân với khoảng 10.000 cây giống, và hướng dẫn các hộ gieo trồng một cách hiệu quả nhất. Người dân được hỗ trợ cây giống, sau khi thu hoạch có thể bán lại cho Hợp tác xã, hoặc chỗ khác nếu giá cao. Tùy thời điểm mà HTX thu mua cho bà con giá có sự dao động, hiện đang từ 180.000-200.000 đồng/kg.

“Sau khi mua, các thành viên của HTX sẽ chế biến ớt A Riêu thành các sản phẩm, rồi bán ra thị trường với mức giá 200.000-300.000 đồng/kg, tùy sản phẩm. Riêng với ớt tươi, HTX bán ra khoảng 250.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng, đồng thời tìm kiếm đầu ra ở những doanh nghiệp lớn hơn, qua đó giúp bà con yên tâm trồng ớt để phát triển kinh tế”, ông Diên nói.

Sản phẩm từ ớt A Riêu đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trở thành thương hiệu mang đặc trưng riêng của đồng bào miền cao Quảng Nam
Sản phẩm từ ớt A Riêu đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trở thành thương hiệu mang đặc trưng riêng của đồng bào miền cao Quảng Nam

Theo ông Arất Bói, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih, từ một cây dại mọc trong rừng, đến nay ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Với cây ớt A Riêu trồng xen kẽ ở dưới các rừng keo, hoặc đất đồi, mỗi hộ có thể “bỏ túi” từ 20-50 triệu mỗi năm tùy theo diện tích trồng, cũng như năng suất đạt được.

“Để hỗ trợ người dân trồng ớt A Riêu, địa phương hỗ trợ hàng chục ngàn cây giống với trị giá khoảng 200 triệu đồng cho người dân cải thiện sinh kế. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ người dân về kỹ thuật, các dự án liên kết trồng ớt, cũng như tìm kiếm đâu ra cho người dân. Trong thời gian sắp tới, chính quyền cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng ớt để có thêm thu nhập, đồng thời gìn giữ thương hiệu ớt A Riêu của địa phương”, ông Arất Bói chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.