Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để những nương gừng… thêm “ngọt”

An Yên - 08:20, 28/05/2024

Cây gừng ở Kỳ Sơn (Nghệ An) đã thành cây thoát nghèo và nay đang khiến bao người dân ấp ủ giấc mơ làm giàu. Kể từ khi có chỉ dẫn địa lý, gừng Kỳ Sơn như càng thêm nức tiếng; và càng "ngọt ngào" hơn khi sản phẩm miền biên viễn này đã vượt núi, vượt rừng để đến với nhiều nước trên thế giới.

Gừng Kỳ Sơn đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường
Gừng Kỳ Sơn đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường

Giấc mơ làm giàu

Một trong số xã trồng gừng nhiều nhất ở Kỳ Sơn là xã Na Ngoi. Có thể nói, gừng là cây mũi nhọn phát triển kinh tế ở xã biên giới này. Còn nhớ, vào năm 2019, sau vụ thu hoạch gừng, nhiều gia đình ở Na Ngoi đã thu về hàng trăm triệu đồng, phút chốc thoát nghèo.

Cũng chính vì tiềm năng lớn của cây gừng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã lập hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Và cũng chính vì thế, diện tích trồng gừng ở huyện Kỳ Sơn ngày càng được nhân lên. Chả thế mà, đến xã nào, đi qua bao ngọn đồi, đã thấp thoáng bóng dáng cây gừng trên nương, trên rẫy. Suốt cả dọc dài miền biên viễn như các xã Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Ngoi đã có cây gừng bám rễ trên sườn núi, dốc đồi.

Trước đây, diện tích trồng gừng trên địa bàn toàn huyện Kỳ Sơn chỉ đạt từ 320 - 350 ha, nhưng riêng năm 2020 diện tích gừng lên đến 468 ha và đến nay đã lên gần 1.000 ha.

Đỉnh điểm của giá cả, phải kể đến là năm 2020, khi giá gừng nhảy vọt lên từ 33.000 - 35.000 đồng/kg; thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg, khiến bà con mừng rơi nước mắt.

Bà con vui một thì lãnh đạo các cấp vui mười. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay: Người dân và chúng tôi đã xem cây gừng là cây thoát nghèo và từng bước có thể làm giàu. Thực tế thì ở nhiều diện tích đất đồi, nếu không trồng gừng thì cũng rất khó để canh tác loại cây khác do độ dốc lớn.

Gừng Kỳ Sơn đã được lựa chọn là 1 trong 3 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của miền Tây xứ Nghệ. “Tiếng tăm” của gừng Kỳ Sơn ngày càng vang xa nhờ vào chất lượng, nhờ vào chỉ dẫn địa lý… Bằng chứng là đã có nhiều tấn gừng vượt núi, vượt rừng đến với nhiều nước trên thế giới.

Gừng được bà con Kỳ Sơn trồng ở lưng chừng đồi
Gừng được bà con Kỳ Sơn trồng ở lưng chừng đồi

Người tiên phong, mở lối cho gừng Kỳ Sơn xuất ngoại là cựu binh Nguyễn Văn Luân. Ông Luân hiện là hội viên Chi hội khối 2, Hội Cựu Chiến binh thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn; là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (HTX Hương Sơn), tỉnh Nghệ An.

HTX Hương Sơn của cựu binh Nguyễn Văn Luân là một trong những đơn vị lớn nhất tỉnh Nghệ An trong thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu gừng. Bình quân, mỗi năm, HTX Hương Sơn thu mua hơn 1.000 tấn gừng và sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước Banglades, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan và các nước Châu Âu.

Cựu binh Nguyễn Văn Luân chia sẻ: Đây là cơ sở để người dân tích cực sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định thương hiệu gừng Kỳ Sơn trên thị trường. Đến nay đã có 4 xã trồng được cây gừng đáp ứng các tiêu chí của các doanh nghiệp đem đi xuất khẩu ra nước ngoài, gồm Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy. Trên cơ sở đó, HTX Hương Sơn đã xây dựng sản phẩm gừng Kỳ Sơn thành sản phẩm OCOP, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2020, sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn” đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Để những nương gừng… thêm "ngọt"

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có chuyện, có thời điểm gần đây, gừng Kỳ Sơn giá thấp, khó tiêu thụ. Nhất là vài năm gần đây, khi người dân mở rộng diện tích trồng, sản phẩm thu hoạch về càng nhiều thì nhu cầu tiêu thụ càng gặp khó khăn, có năm còn kêu gọi giải cứu để giúp đỡ bà con nông dân trồng gừng ở huyện vùng cao Kỳ Sơn.

Phân loại và sơ chế gừng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn
Phân loại và sơ chế gừng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn

Câu chuyện gừng Kỳ Sơn khó tiêu thụ là do nhiều nguyên nhân. Tại các địa phương trồng gừng ở huyện Kỳ Sơn, xã nào cũng trồng cả 2 giống gừng (dé và sừng trâu). Việc trồng lẫn lộn giữa 2 giống gừng này, tất yếu sẽ cho ra sản phẩm củ gừng có sự khác nhau, trông không bắt mắt, người mua kén chọn, khó bán, chưa nói đến chất lượng cũng khác nhau. Kỳ Sơn chưa có nhà máy chế biến, thị trường tiêu thụ hạn chế, nhưng lại mở rộng diện trồng nhiều, dẫn đến cung vượt cầu, khó tiêu thụ.

Tuy vậy, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện cho thấy, giá gừng sát tết âm lịch cho đến đầu tháng Giêng hàng năm dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg; còn trong mùa có giá 12.000 - 15.000 đồng/kg. Mức giá này, người trồng gừng đã có thể yên tâm để sản xuất.

Thực tế cho thấy, dẫu có thời điểm gừng Kỳ Sơn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nhưng, cả trước mắt và lâu dài vẫn là cây trồng không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của con người, vừa làm gia vị trong bữa ăn, vừa chữa bệnh, không những ở trong nước mà ở cả trên thế giới.

Để cây gừng Kỳ Sơn đi vào phát triển bền vững và hiệu quả, theo ý kiến của một số cán bộ chuyên ngành kinh tế, thì cần phải lựa chọn giống tốt, đồng thời có kế hoạch trồng bao nhiêu diện tích gừng mỗi năm để làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu; tránh cung vượt quá cầu, rồi lại đẩy chính người trồng gừng và các cấp quản lý vào tình thế khó khăn “kêu gọi giải cứu”.

Một yếu tố quan trọng là, phải thực hiện được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đủ khả năng, đủ điều kiện để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở này, phải sớm kêu gọi nhà đầu tư xây nhà máy chế biến tinh dầu gừng, bột gừng tại Nghệ An hoặc tốt nhất tại địa bàn huyện Kỳ Sơn để tạo điều kiện mở rộng diện tích, sản xuất ổn định lâu dài giải quyết việc làm, có thu nhập…

Bên cạnh đó, cũng cần phải tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và thâm canh cây gừng cho đồng bào để làm sao có được những vụ gừng có chất lượng tốt; đặc biệt là phải tổ chức tốt hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện, để khách hàng trong và ngoài nước biết đến để mua bán và đầu tư vào sản xuất, chế biến…/.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.