Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghệ An: Trăn trở tình trạng tảo hôn ở huyện vùng cao Kỳ Sơn

An Yên - 13:00, 10/04/2024

Hàng trăm trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) trong mấy năm gần đây, khiến nhiều người lo ngại. Câu chuyện tồn tại dai dẳng dưới các bản làng mờ sương ở huyện rẻo cao này đang là thực trạng buồn, là nỗi đau của con trẻ, là hệ lụy của gia đình, cả xã hội, là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Bản Liên Sơn, xã Nậm Càn - Nơi có những đại gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều... tảo hôn
Bản Liên Sơn, xã Nậm Càn - Nơi có những đại gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều... tảo hôn

Phía sau những câu chuyện buồn…

Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước. Toàn huyện có 16.957 hộ, trong đó có 8.424 hộ thuộc diện hộ nghèo chiếm tỷ lệ 49,68%. Dân cư trên địa bàn huyện sống rải rác, khoảng cách giữa các bản xa xôi cách trở; giao thông đi lại khó khăn...

 Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn đang có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng trong 4 năm trở lại đây, huyện đã có trên 600 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể hơn, năm 2020 toàn huyện có 164 trường hợp, năm 2021 có 147 trường hợp, năm 2022 có 171 trường hợp, năm 2023 có 229 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú...

Trong rất nhiều mảnh đời nhuốm đầy nước mắt và đắng cay vì tảo hôn có Và Bá Nù ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn. Trong chính ngôi nhà Và Bá Nù ở, đang có hai mảnh đời chung một số phận tảo hôn đầy xót xa. Nù chỉ mới 34 tuổi nhưng đã có đến 3 mặt con. Lấy vợ từ năm 16 tuổi, Nù hiểu hơn ai hết câu chuyện lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Càng hiểu và ngẫm ra bao cơ sự khi dựng vợ gả chồng quá sớm, anh càng lo lắng cho những đứa con của mình, nhưng Và Bá Nù chẳng thể tránh được. 

Cô con gái thứ 2 của Nù, là Và Y Xì mới 13 tuổi và đang học lớp 7 trường PTDT Bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn, xã Nậm Càn đã theo một trai bản ở xã Na Ngoi làm vợ từ đầu năm 2023 trong niềm day dứt của gia đình, thầy cô. Nù buồn bã: Mình định lên nhờ chính quyền xã can thiệp đưa con về nhưng lại thôi. Nó thích người ta nó mới theo, bây giờ mình đưa ra pháp luật lỡ nó nghĩ dại mà ăn lá ngón, thì mình hối hận cả đời.

Sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên các trường phải lặn lội đến các bản làng để vận động học trò trở lại trường
Sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên các trường phải lặn lội đến các bản làng để vận động học trò trở lại trường

Thật không khó để nói ra những hệ lụy từ vấn nạn tảo hôn mang lại. Lập gia đình khi chưa đủ tuổi, là “trăm thứ” chưa đủ “giáng” xuống đôi vợ chồng trẻ: chưa đủ sức khỏe, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm… Bỏ học lập gia đình, đồng nghĩa với việc không được học hành đầy đủ. Những người trẻ đang đối mặt với tương lai mờ mịt, vất vả phía trước và cơ hội đổi đời, cơ hội để vượt lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn vất vả thực tại là điều không dễ dàng.

Chúng tôi đã đi tìm nguyên nhân từ những người có trách nhiệm và nhận thấy: tập quán, lối sống, phong tục về hôn nhân..., chính là những tác nhân chính của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Hạ Bá Lỳ - một xã có đến 95% người Mông sinh sống, nói: Nhận thức của em trai, em gái về hôn nhân còn thấp; tâm lý theo bạn bè còn nặng, bạn bè lấy vợ, lấy chồng thì mình cũng lấy theo; phong tục, tập quán của đồng bào là để có người làm việc, những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con…

Nhưng, khi trao đổi với những người có trách nhiệm ở huyện Kỳ Sơn, chúng tôi còn được biết thêm nguyên nhân: Chế tài xử phạt tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa được thực hiện tốt. Một bộ phận thanh niên học xong không tìm được việc làm, tìm được việc làm không đúng nghề đã tạo tâm lý không thích đi học, bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm. Ngoài ra, còn là sự phát triển của đời sống xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của thanh, thiếu niên như: mạng xã hội, điện thoại, lối sống theo trào lưu của lớp trẻ.

Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Cắn tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Cắn tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Không phải đến bây giờ mà từ rất nhiều năm trước, huyện Kỳ Sơn cũng đã có nhiều giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này. Ngay từ ngày 25/6/2021, UBND huyện Kỳ Sơn đã có kế hoạch 111 thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hộn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các DTTS, giai đoạn 2021 - 2025”. 

Tiếp đó, ngày 26/7/2021, Ban thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cũng có Chỉ thị số 07 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đến 23/6/2022, UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục có công văn số 614 đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật phòng ngừa tảo hôn và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân, gia đình gắn với giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, ngành cấp huyện liên quan và UBND 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Huyện cũng đã đưa nội dung phổ biến pháp luật phòng ngừa tảo hôn trở thành một chuyên đề chính hoặc bố trí lồng ghép vào các cuộc tập huấn, tuyên truyền tại huyện, cơ sở và các trường học. Đồng thời, tổ chức cập nhật, in ấn tờ rơi về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng tiếng Kinh và tiếng Mông để tuyên truyền cho các đối tượng học sinh, người dân.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó phòng dân tộc huyện Kỳ Sơn cho hay: Những năm qua, Huyện cũng đã tổ chức hàng chục cuộc truyền thông nội dung này, với sự tham gia của gần 6.000 học sinh, hơn 2.000 người dân; cấp phát miễn phí 10.000 tờ gấp pháp luật bằng tiếng Kinh và tiếng Mông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 Mới đây nhất, huyện đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong trường học; đồng thời tổ chức cho các em ký cam kết không vi phạm vấn đề này.

 Hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Trường PTDTNT THCS huyện Kỳ Sơn - cụm số 1 gồm 5 trường bậc THCS
Hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Trường PTDTNT THCS huyện Kỳ Sơn - cụm số 1 gồm 5 trường bậc THCS

Một trong những cách làm mới, nhận được sự hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân, là tổ chức cho người dân ký cam kết với nội dung “Không vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình”… ; 

Song song với đó là tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình, câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” và “Bản làng không tảo hôn” tại các địa phương trên địa bàn. Đến nay, các xã Nậm Cắn, Tây Sơn, Bắc Lý, Tà Cạ… đã tổ chức ra mắt mô hình, câu lạc bộ tại địa bàn xã. 

Hiện nay, 100% các bản cũng đã hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước của bản về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đặc biệt, một trong các giải pháp phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang được quyết liệt thực hiện chính là xử phạt để tạo tính răn đe.

Anh Vi Văn Vinh, Trưởng bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý cho hay: Trong bản trường hợp nào vi phạm thì bản xử phạt bằng tiền và xung vào quỹ chung. Cán bộ bản cũng không đứng ra làm các thủ tục cưới hỏi và chúng tôi cũng tuyên truyền các hộ gia đình không tham dự các đám cưới tảo hôn.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn thông tin: Chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã ký cam kết nhưng không thực hiện, nhằm tăng nặng tính răn đe, giáo dục. Thời gian qua các xã cũng đã thực hiện xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.

"Ở Kỳ Sơn, việc chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thực sự không dễ dàng. Tuy nhiên, địa phương đã xác định, đây là nhiệm vụ cấp bách, phải giải quyết bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.