Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghệ An quyết liệt cứu đàn vật nuôi trước đợt rét đậm

T.Hải - 16:12, 25/02/2022

Đợt rét đậm, rét hại đã khiến hơn 1.300 con trâu, bò, bê, nghé, dê, lợn tại Nghệ An chết rét. Thiệt hại cho người dân và ngành Chăn nuôi rất lớn. Trước tình hình ấy, Nghệ An đang khẩn cấp triển khai các biện pháp để cứu đàn vật nuôi.

Người dân xã Xá Lượng huyện Tương Dương chống rét cho trâu bò
Người dân xã Xá Lượng huyện Tương Dương chống rét cho trâu bò

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quế Phong, tính đến sáng 25/2, toàn huyện đã có 285 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét tại các xã Nậm Nhoóng, Tri Lễ. Đây là các xã nằm giáp biên giới, là vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, nơi có đông đồng bào Thái, Mông sinh sống. Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong chia sẻ: Thiệt hại là rất lớn. Ngoài nhiệt độ xuống thấp, thì một phần là do trâu, bò được chăn thả tự do trong rừng, nên khi gặp thời tiết lạnh, đã không chống chọi được.

Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, đợt rét đậm cũng đã khiến 633 con trâu, bò, bê, nghé, dê, lợn bị chết rét. Các xã bị thiệt hại nặng gồm Na Ngoi, Huồi Tụ, Chiêu Lưu, Tây Sơn, Phà Đánh… Nguyên nhân chính khiến trâu bò chết nhiều là do đói, khi nhiệt độ xuống quá thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò thả rông trong rừng bị đói rét.

Người dân thất thần bên đàn vật nuôi bị chết rét
Người dân thất thần bên đàn vật nuôi bị chết rét

Đợt rét đậm, rét hại cũng đã làm hơn 60 con trâu, bò bị chết rét. Số lượng trâu bò bị chết rét ở các xã Châu Thắng, Châu Hội, Châu Thuận, Diên Lãm, Châu Phong… Theo chia sẻ của người dân xã Châu Hội, một số trâu bò được người dân cho ăn uống đầy đủ, chủ động ủ ấm, nhưng không chịu được nhiệt độ lạnh quá sâu nên đã bị chết.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tương Dương thông tin: Toàn huyện đã có 510 con gia súc bị chết. Trong đó, có 191 con trâu, 310 con bò, 8 con dê, 1 con lợn. Huyện đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương thu nắm số liệu chính xác nhất về số lượng đàn vật nuôi bị chết rét.

Như vậy, tính đến thời điểm sáng ngày 25/2, đã có 1.300 con trâu, bò, bê, nghé, dê, lợn tại 4 huyện vùng cao là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu bị chết rét. Trước tình hình này, chính quyền các cấp ở Nghệ An đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để cứu đàn vật nuôi. Hiện tại, các huyện đã cử các đoàn phối hợp các xã xuống tận thôn bản, đôn đốc, chỉ đạo người dân các biện pháp chống rét nhằm hạn chế thiệt hại.

Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra đôn đốc việc chống rét cho đàn vật nuôi
Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra đôn đốc việc chống rét cho đàn vật nuôi

Trước đó, ngày 23/2, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa Đông; những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

Đồng thời, thành lập các Đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã xuống tận thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao.

Tin cùng chuyên mục
Làng trống bên dòng sông Thu

Làng trống bên dòng sông Thu

Từ hàng trăm năm qua, nghề làm trống ở làng Lâm Yên đã tạo nên thương hiệu cho tiếng trống của làng. Nơi làng trống này đã có nhiều đời truyền nghề cho thế hệ sau, để những mùa hội lại rộn ràng tiếng trống như nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn dân tộc, về văn hóa của cha ông.