Theo bà Hạ Thúy Hạnh, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu rét của trâu bò, do đó, phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng cả về thức ăn tinh và thức ăn thô, xanh, nước uống ấm. Trâu bò phải được chăm sóc tốt, giữ ấm tốt thì nó sẽ khỏe mạnh và ít bị ảnh hưởng rét hơn.
Chuồng trại phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, bởi mùa rét, nhiệt độ lạnh quá dễ gây nên một số bệnh truyền nhiễm ở trâu, bò như: Lở mồm long móng, tai xanh, bệnh viêm khớp, bệnh cước chân... Khi sức đề kháng của trâu, bò bị giảm đi, thì càng dễ bị nhiễm các mầm bệnh từ bên ngoài.
Người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để không chăn thả gia súc và có những giải pháp phòng trước khi mùa rét đến. Cần dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh, có giải pháp ủ chua thức ăn; bảo đảm chuồng trại được ấm và bố trí rơm, cỏ khô làm ấm nền chuồng. Chuẩn bị vải, chăn làm áo cho trâu, bò; chuẩn bị sẵn các loại thuốc, vitamin.. để trâu, bò bổ sung dinh dưỡng; chuẩn bị dụng cụ đốt như đèn pin, dụng cụ sưởi; chuẩn bị các loại dụng cụ làm sạch nước, phòng khi mùa mưa, lũ xảy ra không có nước sạch… để khi mùa rét xảy ra không ở thế bị động.
Đặc biệt, với những hộ có tổng đàn lớn, thì nên bán bớt để giảm mật độ nuôi, tập trung tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng những con còn để lại trong đàn; hoặc gia cố chuồng trại cho khô và kín gió, thoát nước...
Tiêm phòng đẩy đủ để bảo đảm sức khỏe, sức đề kháng tốt cho đàn vật nuôi... Với gia súc non thì tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng. Với gia súc trưởng thành thì cần tăng cường kiểm tra bộ móng, không để trâu, bò bị ẩm, lạnh bộ móng dễ gây ra các bệnh. Và đặc biệt, trước mùa rét phải tẩy kí sinh trùng, bởi trâu, bò ở miền núi thường bị bệnh giun đũa hoặc sán lá gan... khiến trâu, bò giảm sức đề kháng…
Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động, khi nhiệt độ xuống dưới 12°C không sử dụng gia súc làm việc cày kéo. Không chăn thả, gia súc ngoài đồng, ngoài bãi. Di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, đưa bò thả rông về chỗ nuôi nhốt và có thể kiểm soát được.
Những ngày rét đậm, ngoài việc nhốt, cho ăn bổ sung thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, khoáng, vitamin cần thiết và cho uống nước ấm pha 0,1 - 0,3% muối sẽ giúp cho đàn gia súc chống rét tốt hơn, tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.
Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, hạn chế cọ rửa chuồng những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 12°C. Che chắn gió hại chuồng trại gia súc. Bảo đảm đủ rơm rạ, trấu, tận dụng lá chuối, lá mía khô rải ổ lót chuồng nhất là đối với trâu bò đang nuôi con. Có thể dùng trấu, mùn cưa, củi làm đống nhấm vào ban đêm để sưởi ấm cho gia súc.
Khi trâu, bò có hiện tượng đổ ngã phải báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, không tự ý giết mổ, bán chạy, đề phòng lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, vì độ ẩm cao, các loại vi khuẩn dễ phát triển nên cần định kỳ bơm tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, xử lý tốt gia súc chết và chất thải bằng các loại thuốc sát trùng theo hướng dẫn của thú y để diệt các mầm bệnh.