Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Những quả “bom nước” chực chờ vỡ

Thanh Hải - 08:20, 04/10/2022

Nghệ An đang trải qua những ngày khó khăn do mưa lũ hoành hành. Đã có những tuyến đê xung yếu bị vỡ, những hồ nước hàng triệu m3 bị rò rỉ… Nguy cơ mất an toàn từ hồ đập, đê điều đang nguy cấp hơn bao giờ hết.

Lực lượng chức năng và người dân dầm mình trong nước lũ để cứu đê Hội Tinh
Lực lượng chức năng và người dân dầm mình trong nước lũ để cứu đê Hội Tinh

Trắng đêm chống sạt lở hồ đập

Mưa lớn kéo dài đã khiến đập Hóc Cối (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu) bị rò rỉ nước vào đêm 28/9. Trên thân đập, đã xuất hiện một vết sụt ngay thân đập, khiến chính quyền địa phương phải huy động người dân và các lực lượng gia cố ngay trong đêm.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam kể lại: Tại khu vực thân đập đã xảy ra rò rỉ nước tại mái taluy dương. Trước tình hình đó, UBND xã Quỳnh Tam đã phải huy động lực lượng tại chỗ để kịp thời ứng cứu. Đồng thời, huy động thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 215 đóng quân trên địa bàn để gia cố thân đập. Sau hơn 5 giờ khẩn trương ứng cứu, đến khoảng hơn 1h sáng 29/9, vết rò rỉ nước đã cơ bản được khống chế.

Đập Hóc Cối là con đập có dung tích nước lớn, với gần 1 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 30ha đất nông nghiệp của xã Quỳnh Tam. Vào năm 2020 con đập này đã được nâng cấp, tuy nhiên thời gian vừa qua, trên địa bàn đã có mưa lớn khiến nước trong đập bị đầy dẫn đến rò rỉ thân đập.

 Sau nhiều nỗ lực của quân và dân, đê kênh thấp tại xã Hưng Đạo đã được vá xong vào 6h sáng 30/9
Sau nhiều nỗ lực của quân và dân, đê kênh thấp tại xã Hưng Đạo đã được vá xong vào 6h sáng 30/9

Việc gia cố thân đập hiện tại đang là giải pháp tình thế để chống vỡ đập. Tuy nhiên, những ngày gần đây, Nghệ An luôn phải đối mặt với những cơn mưa rất to, nguy cơ mất an toàn từ đập Hóc Cối là rất lớn. Ông Hoàng Danh Lai, Bí thư Huyện uỷ Quỳnh Lưu cho biết: Huyện đang giao xã tiếp tục theo dõi tình hình những điểm rò rỉ. Bố trí lực lượng thường trực tại chỗ để kịp thời ứng cứu. Thậm chí huyện và xã cũng đã tính đến phương án, sẽ phải mở thêm cửa xả trên thân đập để thoát bớt nước nếu trời tiếp tục mưa lớn. Còn về lâu dài sẽ phải sớm nâng cấp, xử lý nhằm tránh những sự cố tương tự xảy ra.

Tối ngày 29/9, đê kênh thấp còn gọi là đê Hội Tinh đoạn qua xóm 7, làng Rào, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên cũng đã bị vỡ khoảng 5m. Đây là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân (khoảng 6.000 nhân khẩu), cùng 400ha cây trồng của xã và lân cận. Sau khi phát hiện sự cố lúc 20 giờ cùng ngày, huyện Hưng Nguyên đã huy động các lực lượng và Nhân dân tập trung cứu đê. Tuy nhiên, do thời tiết mưa lớn, đường vào khu vực hiện trường hạn chế nên công tác hộ đê gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Huy Khoa, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, chia sẻ: Do là điểm ách yếu nên đến mùa mưa bão hàng năm, đê kênh thấp này bị tràn nước liên tục, gây ngập úng. Năm nay, nước dâng lên nhanh, chảy xiết nên vỡ đê. Xuyên đêm đã có khoảng 400 người bao gồm các lực lượng và Nhân dân cùng nhau vá đê. Địa phương đã thường xuyên kiến nghị hỗ trợ kinh phí để nâng cấp vì nguồn lực hạn chế.

Một trong những hồ chứa ở Yên Thành đang xả tràn
Một trong những hồ chứa ở Yên Thành đang xả tràn

Theo ghi nhận, vị trí vỡ đã được vá bằng số lượng lớn các bao tải cát, đá và được chống đỡ bằng những thanh mét, tre cắm sâu, chắc chắn. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian đê vỡ, nước đã tràn vào gây ngập úng diện rộng trên địa bàn xã Hưng Đạo. Hiện nước vẫn rò rỉ qua lớp vá, thoát xuống khu dân cư.

Dù đã khắc phục xong sự cố vỡ đê tại xã Hưng Đạo, nhưng nước từ thượng nguồn đổ về liên tục, nguy cơ tái vỡ đê vẫn còn hiện hữu. Có mặt tại đê Kênh thấp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo lực lượng chức năng, bằng mọi biện pháp phải khắc phục sự cố đê bị vỡ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhân dân. Huyện cần chỉ đạo các đơn vị và chính quyền xã Hưng Đạo cắt cử lực lượng, nòng cốt túc trực 24/24h tại tuyến đê, báo cáo và xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Tại Yên Thành, đập Ao Gừa thuộc xã Mã Thành cũng đã bị vỡ thân đập gây ngập úng cho nhiều hộ dân ở xã Mã Thành, Tân Thành, Đức Thành… Những ngày qua, chính quyền các cấp ở huyện Yên Thành đã bám địa bàn, chỉ đạo xã Mã Thành và các lực lượng cứu đập, di tản người dân và tài sản. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành lo ngại: Đập Ao Gừa tưới cho khoảng 6ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Mã Thành. Dù không có thiệt hại về người và tài sản, nhưng đó là mối nguy lớn khi huyện Yên Thành có hàng trăm hồ đập lớn nhỏ đã đầy nước.

Điểm rò rỉ nước tại thân đập Hóc Cối nay đã được gia cố, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời
Điểm rò rỉ nước tại thân đập Hóc Cối nay đã được gia cố, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời

Nguy cơ lớn

Do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, huyện Yên Thành đã có 6 hồ chứa đang ở mức báo động khẩn cấp (mực nước lòng hồ đã vượt qua tràn). Đó là các hồ chứa Vệ Vừng và Xuân Nguyên ở xã Đồng Thành, hồ Đồn Húng xã Hùng Thành, hồ Quán Hài xã Phúc Thành, hồ Mả Tổ và Nhà Trò xã Tân Thành.

 Hệ thống ba ra Nghi Quang đã mở 13 cửa xả hết công suất
Hệ thống ba ra Nghi Quang đã mở 13 cửa xả hết công suất

Hiện nay toàn huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa nước lớn nhỏ, hiện nay chỉ mới nâng cấp được khoảng trên 60%, còn lại đang còn nhiều hồ chứa địa phương xuống cấp. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành xác nhận: Đối với 6 hồ chứa nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp, theo rà soát, nếu xảy ra sự cố sẽ có khoảng trên 800 hộ dân của các xã vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng ngập lụt. Huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng phương án cụ thể để ứng phó, cụ thể là đã chuẩn bị các phương án di dời dân đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố.

Cống tiêu Diễn Thành bị tắc do bèo tây
Cống tiêu Diễn Thành bị tắc do bèo tây

Tính đến sáng 30/9, toàn tỉnh Nghệ An có 3 người chết và 1 người mất tích; 8.139 nhà bị ngập, 26 nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 24 nhà dân bị tốc mái, gần 1.800ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, 27 điểm trường bị ảnh hưởng một phần, 17.800m đường bị sạt lở…

Tỉnh Nghệ An có khoảng 1.061 hồ chứa các loại, thì hiện nay đã có hơn 950 hồ đầy nước. Tuy nhiên, số lượng hồ đảm bảo an toàn, đã được gia cố thì chỉ khoảng hơn 150 hồ. Các hồ nhỏ còn lại do địa phương quản lý nguy cơ mất an toàn rất cao nếu trời vẫn tiếp tục mưa. Những hồ chứa nước đã đầy, tựa như quả “bom nước” khổng lồ đe dọa an toàn nếu chẳng may vị rò rỉ, vỡ thân đập.

Nước trên các sông, suối ở Nghệ An đang dâng cao, nguy cơ vỡ đê rất lớn. Hiện các cống tiêu thoát nước như bara Nghi Quang (Nghi Lộc), bara Diễn Thành (Diễn Châu), bara Bến Thủy (TP. Vinh) đã được mở hết công suất để tiêu thoát lũ. Mưa lũ đã làm 1.890m kênh mương, 5 cầu tràn, 15 đập loại nhỏ, 33 tràn loại nhỏ, 40m đê, 1.030m bờ sông, 71 cống bị hư hỏng, sạt lở.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nghệ An trao đổi: Các hệ thống tiêu úng lớn chủ yếu tập trung ở hệ thống thuỷ lợi Bắc và thuỷ lợi Nam. Chi cục Chi cục thuỷ lợi đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ lợi, công nhân bám sát địa bàn, túc trực 24/24h, xả nước theo phương châm “gạn triều, tiêu úng”. Tiếp tục theo dõi khi mực nước triều lên, các cống tiêu sẽ phải đóng cửa, không để nước mặn xâm nhập.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.