Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Kết quả bước đầu thay đổi quy trình xả lũ thủy điện

Phạm Việt Thắng - CĐ - 16:10, 25/10/2021

Cứ đến mùa mưa lũ, bà con ở vùng hạ du của các hồ thủy điện, thủy lợi lại lo ngay ngáy không yên. Lũ chồng lũ đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trước thực tế đó, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa cho vùng hạ du.

Năm 2018, cùng với mưa to là việc các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập nghiêm trọng cho vùng hạ du ở Nghệ An, thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng
Năm 2018, cùng với mưa to là việc các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập nghiêm trọng cho vùng hạ du ở Nghệ An, thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng

Thiệt hại nặng nề

Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 vào tháng 7 và 8/2018 đã khiến cho tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 là 831,70 tỷ đồng; do ảnh hưởng bão số 4 là 786,55 đồng; đợt mưa lũ từ ngày 28 - 31/8 là 139,439 tỷ đồng. Tổng số thiệt hại do mưa lũ năm 2018 đã ngót nghét 1/7 tổng số thu ngân sách của tỉnh này - 2.000 tỷ đồng.

Cuộc kiểm tra kéo dài 1 tháng của tỉnh, đối với tác động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn về việc điều tiết, ngăn lũ đã chỉ ra rằng: Việc triển khai xây dựng nhiều thủy điện trên lưu vực sông Cả, đã làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông, gia tăng thiệt hại do mưa lũ. Phần lớn thời gian trong năm lưu lượng nước sông Cả quá thấp, nên không khơi thông được dòng chảy, dẫn đến mùa lũ nước rút chậm hơn, thời gian ngập kéo dài hơn. Nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng cao hơn, nhanh hơn làm tăng lũ, tăng thiệt hại. Một số đập công suất xả lũ tối đa nhỏ hơn lưu lượng lũ đổ về, làm nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng nhanh quá cao trình, gây thiệt hại cho người dân sinh sống trong khu vực này.

Ngoài ra, chính các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy, tạo cao trình chênh lệch lớn giữa thượng lưu và hạ lưu của đập, dẫn đến khi xả lũ tạo thành lưu tốc nước quá lớn, làm sạt lở nhiều hơn cho vùng hạ du, làm tăng thiệt hại cho người dân (nhất là khu vực gần thân đập) trong đợt mưa lũ. 

Công tác quan trắc, dự báo nước thượng nguồn của các nhà máy thủy điện còn hạn chế, dẫn đến việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi trong thời gian ngắn, làm cho lũ vùng hạ du liên tục thay đổi lớn (lũ lúc lên, lúc xuống bất thường) gây khó khăn cho công tác phòng, chống lũ…

Tài sản của người dân bị thiệt hại trong trận lũ 2018 ở Nghệ An
Tài sản của người dân bị thiệt hại trong trận lũ 2018 ở Nghệ An

Thay đổi quy trình

Theo ông Trần Tuấn Khanh, Cán bộ Phòng Phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An), hiện toàn tỉnh có 21 nhà máy thủy điện đang vận hành, hoạt động trên 2 lưu vực: Sông Cả (19 nhà máy) và sông Mã (2 nhà máy). Trong đó, có 2 nhà máy thủy điện lớn, điều tiết năm là Nhà máy Thủy điện Hủa Na và Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Đây là 2 nhà máy thủy điện có vai trò quan trọng, quyết định trong vận hành điều tiết nước trong cả mùa lũ và mùa kiệt.

Sau các trận lũ năm 2018, nhận thấy một số bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy trình. Kết quả là tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1605/QĐ-TTg về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả.

Theo ông Khanh, quy trình này có nhiều điểm mới, phù hợp hơn so với thực tế. Nếu quy trình cũ chỉ có 3 nhà máy thủy điện là Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê, thì quy trình mới đã bổ sung thêm các nhà máy khác: Nậm Mô, Nậm Nơn, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng, Bản Mồng và cả 2 công trình ở tỉnh Hà Tĩnh là Thủy điện Hố Hô và Thủy lợi Ngàn Trươi.

“Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là phải giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra. Ngoài tuân thủ nghiêm Quy trình 1605 của Thủ tướng Chính phủ, trong quyền hạn của mình, trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền điều hành xả lũ đối với các hồ chứa. Để ra quyết định chính xác, điểm mới là thành lập Tổ tư vấn đặc biệt nhằm tham mưu kịp thời, chính xác cho Chủ tịch UBND tỉnh trong tình huống khẩn cấp”.

Ông Hoàng Nghĩa HiếuPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Theo quy trình mới, ngoài Thủy điện Bản Vẽ, thì Thủy điện Nậm Nơn sẽ không được để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra, với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn, hoặc bằng 5.000 năm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Và ngoài Thủy điện Khe Bố, Chi Khê, thì hồ thủy lợi Bản Mồng và Ngàn Trươi không được để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm. Đối với các công trình Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng và Hố Hô, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm. (Dựa trên các số liệu thuỷ văn thực đo trong quá khứ, người ta sử dụng phương pháp ngoại suy để tính ra tần suất xuất hiện các trận lũ. Ví dụ tần suất 0,02% tương ứng với 5000 năm).

Tăng khả năng cắt lũ, giảm lũ cho hạ du

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, từ khi Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định 1605/QĐ-TTg đến nay, trên lưu vực sông Cả chưa xảy ra lũ lớn như năm 2018, nên chưa thể so sánh, đánh giá được mực độ giảm thiệt hại so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn có thể đánh giá khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du của hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ theo Quy trình 1605/QĐ-TTg so với quy trình cũ trước đây.

Cụ thể, trong giai đoạn trước ngày 1/9 hằng năm, mực nước cao nhất trước lũ của hồ Thủy điện Bản Vẽ là 192,5 m. Khi dự báo có lũ về hồ, Quy trình 1605 cho phép hạ thấp mực nước xuống 191,5 m để tăng dung tích phòng lũ cho hạ du.

Đối với giai đoạn từ sau ngày 1/9, quy trình cũ cho phép hồ Thủy điện Bản Vẽ tích nước lên đến mực nước dâng bình thường (tích nước đầy hồ). Khi đó, nếu xuất hiện lũ về hồ thì khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du sẽ bị giảm đáng kể. Quy trình 1605 quy định việc tích nước diễn ra chậm hơn và giới hạn mực nước lớn nhất được phép tích theo thời gian, không cho phép tích nước đầy hồ ngay như quy trình cũ. Ngoài ra, khi dự báo có lũ về hồ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh được phép ban hành lệnh hạ mực nước hồ để đón lũ, do đó hồ Thủy điện Bản Vẽ vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ cho hạ du.

Vì vậy, có thể nói Quyết định 1605/QĐ-TTg đã làm hồ Thủy điện Bản Vẽ tăng khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du, do đó sẽ làm giảm thiệt hại cho hạ du khi có lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, Quy trình 1605/QĐ-TTg cập nhật đầy đủ các nhà máy trên hệ thống sông Cả; thay đổi trạm kiểm soát lũ (từ Trạm thủy văn Nam Đàn lên Trạm thủy văn Con Cuông) để rút ngắn thời gian chỉ đạo, điều hành sẽ kịp thời và nâng cao độ chính xác trong chỉ đạo điều hành các hồ chứa theo quy trình liên hồ.

Các giải pháp thực hiện

- Tăng cường công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo lũ làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành hồ chứa điều tiết lũ.

- Công tác chỉ đạo, điều hành và vận hành các hồ chứa điều tiết lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa phải kịp thời, nhịp nhàng và hiệu quả.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc thực hiện ứng phó khi có thông báo xả lũ.

- Thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác việc vận hành hồ chứa điều tiết lũ đến các cấp chính quyền và người dân.

- Không để người dân xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố tại các vị trí xung yếu, có thể bị sạt lở hoặc bị ngập khi hồ chứa điều tiết lũ.

- Tăng cường công tác diễn tập ứng phó khi hồ chứa điều tiết lũ cho người dân vùng hạ du.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và các chủ hồ đập.

(Nguồn: Sở Công Thương Nghệ An)

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.