Chiều 11/12, UBND tỉnh Đăk Nông đã tổ chức họp bàn giải pháp hỗ trợ cho người dân phía hạ du của thuỷ điện Buôn Kuốp bị ảnh hưởng do ngập lụt. Theo báo cáo tại cuộc họp, tại huyện Krông Nô, từ ngày 1 - 6/12/2020, có 107 căn nhà bị ngập và 60 hộ dân phải di dời; 25km đường giao thông bị ngập; 25 tấn xi măng hư hỏng; 35ha cây trồng ngập, úng; 162 lồng cá bị chết, cuốn trôi… Thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu ở xã Buôn Choáh.
Tại Cư Jút, nước lũ đã cuốn trôi nhiều lồng cá của người dân nuôi trên sông Sêrêpốk đoạn qua thị trấn Ea T’ling (hạ du thủy điện Buôn Kuốp). Nước lũ đã làm ngập 5 căn nhà, nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ngập gần 7ha cây trồng… tại thị trấn Ea T’ling, xã Tâm Thắng, Nam Dong và Ea Pô; thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Cư Jút và Krông Nô, thiệt hại của người dân trong đợt lũ vừa qua là rất lớn. Chính quyền địa phương và người dân rất mong Công ty Thủy điện Buôn Kuốp có những hỗ trợ, chia sẻ thiệt hại để họ sớm ổn định cuộc sống. Các địa phương cũng mong, phía các đơn vị thủy điện sẽ phối hợp tốt hơn trong cảnh báo để tránh những thiệt hại như vừa qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, những thiệt hại quá lớn trong đợt lũ vừa qua, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, vẫn có phần chủ quan trong công tác phòng, chống lũ từ phía các đơn vị, chính quyền và cả người dân. Thời gian tới, phía thủy điện phải phối hợp với các địa phương một cách chặt chẽ, có những cảnh báo chủ động hơn để người dân triển khai các biện pháp phòng, tránh thiệt hại mưa lũ.
Về việc hỗ trợ người dân, ông Yên nhấn mạnh: Huyện Krông Nô và Cư Jút phải thống kê, đánh giá một cách chi tiết, cụ thể thiệt hại của từng hộ dân để có cơ sở hỗ trợ. Tỉnh và huyện sẽ trích quỹ phòng chống thiên tai và các quỹ khác, cùng nguồn hỗ trợ của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống.
Sau sự việc Thủy điện Buôn Kuốp xả lũ gây thiệt hại cho người dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị Bộ Công thương, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện khẩn trương rà soát việc tuân thủ quy trình vận hành, phương án đảm bảo an toàn hạ du. Đặc biệt cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo xả lũ cũng như các công tác bảo vệ người, tài sản, sản xuất khu vực hạ du như lồng bè nuôi trồng thủy sản, cây nông nghiệp...