Dành nguồn lực quan tâm đội ngũ Người có uy tín
Những năm qua, chính sách cho Người có uy tín luôn được Nghệ An quan tâm, chú ý. Hiện nay, địa phương có 926 Người có uy tín, được hưởng đầy đủ theo các chế độ chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Việc thực hiện tốt những chính sách cho Người có uy tín đã góp phần phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ những Người có uy tín thực sự là cầu nối của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Bùi Đình LongPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ Người có uy tín, cấp tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, cung cấp thông tin đến hàng ngàn lượt Người có uy tín tham gia. Cùng với đó, định kỳ tổ chức Hội nghị biểu dương tôn vinh Người có uy tín tiêu biểu; tổ chức các đoàn đại biểu Người có uy tín đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã cũng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, cung cấp thông tin; tổ chức được hàng chục Hội nghị gặp mặt, biểu dương tôn vinh Người có uy tín tiêu biểu; nhiều huyện tổ chức đưa đoàn Người có uy tín của huyện đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.
Kể từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; thì Tiểu dự án 1, Dự án 10 đã dành nội dung quan trọng để thực hiện nhiệm vụ biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào.
Cụ thể, từ khi thực hiện nội dung 1, Tiểu dự án 1, Dự án 10, địa phương đã tổ chức 8 hội nghị biểu dương, với 944 lượt người; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức 10 lớp với 938 lượt người; thăm hỏi nhân dịp Tết Nguyên Đán 859 người; thăm hỏi ốm đau 163 lượt người; thăm viếng bản thân và gia đình Người có uy tín qua đời với 27 lượt người; thăm gia đình Người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai với 20 lượt người…
Đối với việc thực hiện nội dung 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10, địa phương đã tổ chức 20 hội nghị, với 1.700 lượt người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.
Những điển hình tiên tiến
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách cụ thể, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát huy rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của bản thân trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Minh chứng như ông Lộc Văn Thương, là cái tên được bà con bản Thái ở Chôm Lôm, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông) nhắc đến với niềm tin tưởng, tôn trọng. Bao năm qua, bằng uy tín, trách nhiệm của bản thân, ông Thương đã phát huy tốt vai trò của bản thân, vận động, tuyên truyền dòng họ, dòng tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của DTTS.
Ông Thương chia sẻ: Ông luôn đau đáu suy nghĩ, cần có kế hoạch giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ mai sau. Trước hết giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm định hướng cho con cháu về cội nguồn, về những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tiếp đến, ông vận động, truyền dạy tiếng mẹ đẻ, tiếng Thái cho con em trong gia đình và dòng họ để mỗi thành viên thêm yêu quý bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trong nhiều năm qua, các phong trào thi đua ở cơ sở luôn được Người có uy tín thực hiện hiệu quả, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Từ trong các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”, đến phong trào xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo; chăm sóc, bảo vệ rừng ở các khu vực được giao khoán không để xảy ra hiện tượng khai thác, phá rừng được Nhân dân tham gia tích cực..., đều có ảnh hưởng từ vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản…
Ông Vừ Tồng Pó, Người có uy tín ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cũng là ví dụ trong số đó. Ông Pó luôn đi đầu trong các hoạt động của bản, đặc biệt ông rất trăn trở với phát triển những thế mạnh của địa phương; tích cực trong mọi hoạt động, phong trào của bản, của xã.
Ông Pó nói: Tôi sợ nhất là làm Người có uy tín mà nói không ai nghe, nên mình càng phải cố gắng. Trước hết, là mình nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả. Xuất phát từ điều đó, bản thân tôi đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi, trồng trọt ngay chính trên quê hương.
Mô hình kinh tế của ông Pó đang trở thành điểm sáng, thành nơi tham quan học tập kinh nghiệm của bà con quanh vùng. Nhìn vào mô hình của ông Pó, nhiều người đã mơ ước. Từ đàn gà đen bản địa đã cho gia đình ông Pó thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Pó còn phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo với thu nhập mỗi năm thêm từ 60 - 80 triệu đồng.
Những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản nơi miền Tây xứ Nghệ, đã góp phần làm cho bộ mặt bản làng thêm đổi mới, các phong trào thi đua ở cơ sở thêm sôi nổi.