Ấm lòng ngày Quốc khánh
Cờ Tổ quốc, băng zôn, khẩu hiệu… chào mừng Quốc khánh đỏ rực hai bên đường khi chúng tôi về đến trung tâm xã An Phú (xã An Phú cách trung tâm TP. Hà Nội 55km). Không khó để cảm nhận không khí đón Tết Độc lập của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Phú có phần trầm lắng do tình hình chung, khi TP. Hà Nội vẫn đang giãn cách xã hội. Xã An Phú nằm sát Đường Hồ Chí Minh, là cữa ngõ giao thương nên lực lượng chức năng đang căng mình chốt chặn, kiểm tra. Nhân dân An Phú thực hiện tốt quy định phòng chống dịch.
Vừa đến trụ sở UBND xã, chúng tôi đã thấy nhiều người dân trong trang phục dân tộc Mường ngồi giãn cách nhận phiếu mua hàng để đi “Siêu thị mini 0 đồng” với nhiều mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì, lương thực, thực phẩm… Niềm vui hiện hữu, khi người dân nhận được sự quan tâm, hỗ trợ.
“Khi biết gia đình mình có tên trong danh sách được hỗ trợ mua hàng miễn phí, tôi vui mừng lắm. Tôi đến sớm, ngồi đúng vị trí giãn cách, đợi đến lượt được phát phiếu để mua hàng. Với phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng, tôi mua được nhiều đồ thực phẩm thiết yếu. Món quà đã giúp người dân chúng tôi ấm lòng trong ngày Quốc khánh của dân tộc”, bà Bùi Thị Tiển, thôn Gốc Báng chia sẻ.
Được biết, chương trình ý nghĩa này diễn ra từ chiều ngày 31/8 - 2/9/2021. Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch do Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã trao 600 phiếu mua sắm với tổng trị giá 240 triệu đồng cho 600 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã An Phú (đa số là đồng bào dân tộc Mường).
Dịp Tết Độc lập năm nay, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã có những hoạt động chăm lo cho người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở An Phú.
Vì việc chung, gác lại niềm riêng
Chúng tôi gọi An Phú là xứ Mường, bởi đây là nơi sinh sống của gần 70% dân số là đồng bào DTTS, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Mường. Bao đời nay, đồng bào Mường vẫn gắn bó với đồng đất quê hương để sinh sống và phát triển. Ngày Tết Độc lập, đồng bào lại càng hiểu rõ hơn giá trị của sự đổi thay.
Ông Nguyễn Viết Bửu, 66 tuổi, thôn Gốc Báng ví von, nếu so sánh đời sống của Nhân dân thì sự phát triển tăng lên 70%, khi trước đây chỉ 30%. Là Cựu chiến binh, từng có gần 10 năm vào sinh ra tử ở chiến trường, nên ông Bửu hiểu giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay.
Nói về chiến tranh, về nền độc lập, khuôn mặt, ánh mắt người Cựu chiến binh già ẩn sâu sau lớp khẩu trang có vẻ trầm ngâm, suy tư lắm. Ông bảo: “Để có được nền hòa bình, cha ông ta đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Tôi chứng kiến đất nước ta những năm chiến tranh, gian khó để thấy rằng, mỗi người hãy trân trọng cuộc sống mới hôm nay”.
Đi sâu vào các bản làng ở An Phú, màu xanh no ấm đang hiện hữu. Những ngôi nhà xây khang trang; màu xanh của những cánh rừng, nương đồi; những ruộng lúa trải dài đang thì trổ bông; những con đường bê tông nối liền thôn bản…
Cách trung tâm xã vài km, thôn Bờ Môi có gần 100% dân số là dân tộc Mường. Giãn cách xã hội nên bà con không tập trung đông người, mà lặng lẽ lao động, sản xuất.
Nhanh tay cuốc đất trên nương bên vệ đường, chị Đinh Thị Hiên, thôn Bờ Môi cho biết: “Dịch Covid-19 nên chúng tôi chỉ lên nương, làm ruộng, không đi lao động làm các việc khác được. Cuộc sống cũng bị ảnh hưởng”.
Gạt giọt mồ hôi trên trán, nghĩ về ngày 2/9, chị Hiên nói: “Ngày này mọi năm thì gia đình, họ hàng được đoàn tụ, con cháu đi làm ăn xa trở về địa phương vui Tết Độc lập. Nhưng năm nay, chúng tôi cũng như tất cả mọi người tạm gác lại niềm vui riêng vì việc chung”.
Với ông Bửu, chị Hiên và nhiều người dân An Phú, họ đều vui mừng khi quê hương đang đổi thay từng ngày. Trong lúc này, họ không mong gì hơn là được bình an, mạnh khỏe, quê hương, đất nước đẩy lùi được đại dịch.
Dồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã An Phú có hơn 2.000 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu. Nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ lực. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp…nhiều người dân đã tận dụng lợi thế đồng trũng để trồng sen. Trồng sen vừa có thu nhập vừa không lo ngập úng mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tính riêng mùa sen 2020 đã có 3.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã An Phú, tính đến hết tháng 6/2021, xã chỉ còn 39 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Xã phấn đấu hết năm 2021 về đích nông thôn mới.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Huyện sẽ triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của Thành phố và tập trung nguồn lực của địa phương để chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. “Để phát huy hiệu quả, quan trọng là việc thực thi các chính sách phải đến đúng đối tượng, sát thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi sẽ phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân trong thực thi chính sách và các chương trình hỗ trợ”.
Quan điểm của huyện là luôn quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Như trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Nhân dân đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng luôn đồng lòng ủng hộ các chủ trương, việc làm của cấp ủy đảng, chính quyền. Ngược lại, cấp ủy đảng, chính quyền huyện, xã cũng cần thể hiện trách nhiệm giúp Nhân dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội. Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện đã có chủ trương hỗ trợ cho 100% người dân gặp khó khăn. Những địa bàn như xã An Phú thì huy động thêm nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các đoàn thể để hỗ trợ Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường.