Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ngân vang tiếng trống, tiếng cồng nơi đầu dòng Bến Hải

Nguyễn Thanh - 11:32, 15/02/2023

Tiếng cồng, tiếng trống… vẫn ngân vang nơi đại ngàn Trường Sơn. Những già làng người Bru Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn ngày đêm cần mẫn gìn giữ, bảo tồn và trao truyền niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Bởi, họ biết rằng, trong đời sống tâm linh của mình, tiếng cồng hay tiếng trống ngân vang còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, hướng dân bản đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thợ chỉnh chiêng Hồ Văn Liên
Thợ chỉnh chiêng Hồ Văn Liên

Những “nghệ nhân” của bản làng

Đã hơn 90 tuổi, nhưng cụ ông Hồ Văn Liên ở thôn Lền, xã Vĩnh Ô vẫn rắn rỏi như cây lim, cây táu trên đại ngàn Trường Sơn. Điều thú vị ở vị cao niên này, không chỉ là giọng nói trầm vang mà còn là nghệ thuật làm, chế tác và sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ truyền thống của người Bru Vân Kiều.

Từng là giáo viên dạy xóa mù chữ, rồi làm cán bộ xã Vĩnh Ô, thế nên, ông Liên có thời gian, điều kiện đi nhiều, biết nhiều. Chính vì điều đó mà, văn hóa của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đã ngấm vào máu thịt của ông như một lẽ tự nhiên.

Ông Liên cho biết: Tôi biết đánh cồng chiêng từ năm 15 tuổi. Thời bấy giờ, trong các dịp lễ hội, thấy mọi người đánh cồng chiêng thì mình xem, nghe rồi đánh theo. Dần dần, tôi đánh được cồng chiêng, trống và trở thành một trong những người đánh chính trong các dịp lễ hội của bản làng.

Trong câu chuyện của mình, ông Liên còn cho biết, ông còn biết chơi sáo, trống. Đặc biệt là biết chế tác trống Xi cơn - một loại trống dùng trong đời sống hàng ngày của người Bru Vân Kiều.

Không chỉ biết chơi nhạc cụ, ông Liên còn có khả năng nghe tiếng của chiếc chiêng bị hỏng để chỉnh âm lại cho vang. Trong xã chỉ ông có khả năng đặc biệt này. Không đợi tôi thắc mắc, ông Liên bật mí, để nghe được thanh âm của một chiếc chiêng, người nghe phải có năng khiếu và trình độ thẩm âm nhất định. Khi phát hiện chiếc chiêng bị “điếc” (hỏng) hoặc âm phát ra không hay, không đều, ông sẽ dùng cám rượu cần chùi sạch chiêng, rồi sau đó dùng đục gỗ hoặc cán rìu, cán rựa để cạo, gõ chỉnh tiếng chiêng.

Ngân vang tiếng trống, tiếng cồng nơi đầu dòng Bến Hải 1
Ông Liên biết đánh cồng chiêng từ năm 15 tuổi

Cũng ở thôn Lền, có ông Hồ Văn Thương. Năm nay đã hơn 80 tuổi, ông là người rất rành rẽ việc làm trống và đánh trống Xi cơn. Thực ra, ở thôn Lền có đến 5 người như vậy, nhưng ông Thương là người lành nghề, làm trống đẹp, đánh trống hay. Để chúng tôi hiểu thêm về trống Xi cơn, ông Thương vào nhà mang ra một chiếc trống do chính tay ông làm. Chiếc trống được ông gìn giữ như bảo vật của gia đình, dù nhiều người đã gợi ý mua, trả bằng rất nhiều tiền.

Ông Thương kể về quy trình làm trống Xi cơn: Thân chiếc trống được làm từ gỗ cây mít. Muốn trống có âm hay, bền thì phải chọn gốc cây có phần roòng màu vàng sẫm hoặc đỏ. Khi đã chọn được cây, tôi dùng rìu đẽo gọt bên ngoài cho nhẵn bóng. Tiếp đó, dùng đục để đục rỗng bên trong thân trống sao cho rộng hai đầu, hẹp ở giữa như hình chiếc đồng hồ cát. Một bước nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, là phải đục một lỗ hình tròn hoặc hình thoi lên thân trống để thoát hơi.

Khi làm xong phần thân trống, phải có da bò đã phơi khô làm mặt trống. Nhưng quan trọng hơn, là phải tìm da trâu cắt thành sợi nhỏ bằng ngón tay út của người lớn rồi phơi khô. Tiếp đến là công đoạn đục nhiều lỗ trên 2 tấm da bò dùng làm mặt trống, để xâu sợi dây bằng da trâu qua, kéo căng 2 mặt da bò. Bước cuối cùng, ông dùng đá cuội hoặc giấy nhám mài đều mặt da bò.

Ngân vang tiếng trống, tiếng cồng nơi đầu dòng Bến Hải 2
Ông Thương là người lành nghề, làm trống Xi cơn đẹp, đánh trống hay

Ông Trần Văn Tặng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô chia sẻ: Cũng như cồng chiêng, trống Xi cơn thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, đám giỗ, việc tang, việc cưới, lễ mừng lúa mới... Tùy theo từng nghi lễ mà nhịp điệu của cồng chiêng, trống Xi cơn dồn dập, tươi vui hay khoan thai, thong thả. Theo phong tục của địa phương, đám giỗ sẽ có 2 người gánh trống và cùng đánh vào 2 mặt trống. Lễ mừng lúa mới, việc cưới thì chỉ 1 người đánh trống. Mỗi khi muốn đánh trống hoặc sửa trống, chủ nhân chiếc trống phải làm 1 con gà để cúng ở miếu thờ của thôn bản.

Ước vọng trao truyền

Không muốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình bị mai một, ông Liên, ông Thương và nhiều người lớn tuổi khác trong xã Vĩnh Ô đã luôn cố gắng truyền dạy những điều mình biết cho con cháu và người dân trong thôn bản. Ngay như gia đình ông Liên, các con cháu trong nhà đều sử dụng được các loại nhạc cụ. 

Ông Liên hào hứng: Những người biết làm trống trong xã Vĩnh Ô hầu hết đều là học trò, là con cháu của tôi cả. Thật mừng là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều đã và đang có thế hệ mới tiếp cận.

Ngân vang tiếng trống, tiếng cồng nơi đầu dòng Bến Hải 3
Ông Hồ Văn Thương luôn dạy dứt về việc truyền nghề, bảo tồn trống Xi cơn cho thế hệ trẻ

Xã Vĩnh Ô có 7 thôn, 376 hộ. Hiện, toàn xã còn khoảng 15 cái chiêng, 5 chiếc cồng và 5 cái trống Xi cơn. Các nhạc cụ này phân tán trong cộng đồng, phần lớn do các cụ cao tuổi nắm giữ. Điều đáng mừng là nhiều người trẻ cũng đam mê và biết đánh cồng chiêng. Những người này đã được tập hợp vào câu lạc bộ để cùng nhau thỏa niềm đam mê và giúp cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống được tốt hơn.

"Chúng tôi dự kiến thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, trống kết hợp làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều nơi thượng nguồn Bến Hải.

Ông Trần Văn Tặng Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồ Văn Tuân cho rằng: Nhiều người cao tuổi trong xã còn lưu giữ cồng chiêng, trống Xi cơn để truyền dạy cho con cháu như các ông Hồ Văn Lơ, Hồ Thủy ở thôn Xà Lời; Hồ Sông Hào ở thôn Xóm Mới; Hồ Văn Liên, Hồ Văn Thí, Hồ Văn Lương ở thôn Lền; Hồ Văn Khắc ở thôn Mít; Hồ Văn Sáu ở thôn Thúc... Nhờ sự quan tâm, gìn giữ và phát huy tốt nên những năm gần đây, số người trẻ tuổi ở Vĩnh Ô biết đánh cồng chiêng ngày càng nhiều.

Việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, trống đã được người dân xã Vĩnh Ô thực hiện từ nhiều năm qua. Đây là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời, được người Vân Kiều lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi khi có dịp lễ hội, đám đình, những người đánh cồng chiêng sẽ mặc trang phục truyền thống biểu diễn.

Những năm qua, đội cồng chiêng của xã Vĩnh Ô đã từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ cấp huyện. Đó là động lực để địa phương gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng, trống tốt hơn. Tranh thủ nguồn lực từ Dự án 6 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Vĩnh Ô cũng đã đưa nội dung bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, trống vào danh mục ưu tiên gìn giữ và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.