Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nên hay không việc xông lá, xông tinh dầu cho trẻ?

Thiên An -Mỹ Dung - 12:15, 28/03/2022

Thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ F0, F1 của tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng cao. Việc xông lá, xông tinh dầu đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người dân để phòng và điều trị Covid -19. Thế nhưng, kinh nghiệm “rỉ tai” nhau ấy đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là nguy cơ gây bỏng cao cho trẻ.

Việc xông hơi dễ gây ra nguy cơ bỏng cho trẻ em
Việc xông hơi dễ gây ra nguy cơ bỏng cho trẻ em

Xông hơi có tác dụng làm sạch không khí, kháng khuẩn, ngăn ngừa sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 tăng cao, nhiều gia đình đã lạm dụng và có phần hiểu chưa đúng về xông cũng như cách thức xông gây ra nguy cơ mất an toàn, nhất là bỏng: bỏng da, bỏng niêm mạc mũi…

 Đáng chú ý, bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ, nhưng nếu điều trị không tốt thì có thể gây nhiễm trùng, tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh. Trường hợp cháu Hoàng Diệu Anh (3 tuổi) ở thôn Đông Xá, huyện Vân Đồn, là một ví dụ. Hồi cuối tháng 2 vừa rồi, cả gia đình cháu không may bị lây mắc Covid -19. Làm theo mấy người ở thôn, mẹ cháu nhờ mua lá sả và hương nhu về xông nhà, với hi vọng khử khuẩn phòng, diệt vi rút. Tuy nhiên, do mẹ bất cẩn không theo sát, cháu đá chân vào nồi lá xông làm nước đổ khắp cả chân.

Mẹ cháu Diệu Anh chia sẻ: “Tôi cứ áy náy với con mãi. Bỏng rộp cả chân, người lớn trong nhà không biết dội nước lạnh vào. Mấy hôm thấy con không đỡ, lại quấy khóc rất nhiều nên mới đưa đi viện. Giờ con bị nhiễm trùng chân, rồi sau này chắc có vết sẹo lớn”.

Cũng có không ít những trường hợp khiến trẻ bị bỏng do dùng thiết bị xông mũi, xông họng… Chị Nguyễn Thị Phương, khu 6, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Khi thấy hàng xóm xung quanh có nhiều người bị mắc Covid, nghe theo kinh nghiệm của mấy chị em cơ quan, chị mua máy xông và tinh dầu về xông nhà, xông mũi họng cho gia đình. 

Tuy nhiên, do tuổi còn nhỏ (25 tháng tuổi) lại bị xông mũi quá lâu khiến con kêu đau và khó chịu. Khi đi siêu âm và khám thì được chuẩn đoán bị bỏng gây viêm niêm mạc. Bác sỹ còn đặc biệt khuyến cáo, không nên xông cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.

Chị Phương ngậm ngùi: “Đúng là kinh nghiệm để đời! Cứ tưởng tốt, mà hóa ra khiến con từ khỏe lại thành yếu hơn. Tôi chỉ lo ảnh hưởng con sau này. Giờ mới thấy mình theo biện pháp, phương pháp y tế, khoa học là yên tâm nhất”.

Trên thực tế, khi xông bằng ấm hay nồi, cần trông nom trẻ cẩn thận, không được để trẻ chạy chơi một mình, đặt ở vị trí cao so với tầm với của trẻ. Nếu sử dụng máy xông thì nên sử dụng các loại máy phun sương khép kín.

Xông lá bằng nồi cơm điện mở nắp vung tiềm ẩn nguy cơ cao bỏng ở trẻ
Xông lá bằng nồi cơm điện mở nắp vung tiềm ẩn nguy cơ cao bỏng ở trẻ

Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh liên tiếp ghi nhận các ca trẻ bị bỏng do xông lá hoặc xông tinh dầu… Bác sỹ Phạm Ngọc Mười, Trưởng khoa các bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Việc xông cho trẻ không có tác dụng gì nhiều lắm. Mà lại dễ gây ra nguy cơ bỏng cho trẻ em. Chính vì thế, đây là điều các bà mẹ không nên làm đối với trẻ.

Trong tình hình diễn biến Covid còn cao, các bậc phụ huynh không nên tự ý áp dụng những biện pháp truyền miệng, các hướng dẫn trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc và không được chứng minh rõ ràng. Lạm dụng việc xông hơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây an toàn cho trẻ, đặc biệt là nguy cơ gây bỏng rất cao.