"Cột trụ của tạo hóa" là những cột bụi và khí nằm giữa các ngôi sao được hình thành trong Tinh vân Đại Bàng (Eagle Nebula) thuộc chòm sao Cự Xà (Serpens), cách trái đất khoảng 6.500 năm ánh sáng. Hình ảnh "Cột trụ của tạo hóa" đã lần đầu tiên được chụp vào năm 1995 bởi kính viễn vọng không gian Hubble và trở thành hiện tượng văn hóa trên toàn cầu, khi được dùng để trang trí trên nhiều vật dụng hằng ngày từ áo phông đến cốc cà-phê.
Những hình ảnh mới nhất được NASA công bố 3 tháng sau kính viễn vọng James Webb chính thức vận hành và đem lại những tấm ảnh tuyệt đẹp về vũ trụ.
Theo NASA, trong tấm ảnh mới nhất, các thiên thể màu đỏ bên ngoài cột trụ khổng lồ là những ngôi sao trẻ, trong khi các đường sóng đỏ thẫm như dung nham ở viền một số cột trụ là vật chất được đẩy ra từ các ngôi sao đang hình thành trong các khối bụi khí. Ước tính, các đường sóng này khoảng hàng trăm nghìn năm tuổi.
Bức ảnh do James Webb thu được bao trùm một khu vực có chiều dài khoảng 8 năm ánh sáng. NASA cho biết bức ảnh mới này sẽ giúp các nhà nghiên cứu điều chỉnh lại mô hình hình thành các vì sao thông qua việc tính toán chính xác hơn số lượng ngôi sao mới xuất hiện, cũng như lượng bụi và khí trong khu vực.
Được phóng vào tháng 12/2021, kính viễn vọng không gian James Webb bay theo quỹ đạo Mặt Trời ở khoảng cách cách trái đất khoảng 1,6 triệu km, trong vùng không gian được gọi là điểm Lagrange thứ 2. Là công trình hợp tác quốc tế giữa NASA, Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada, kính James Webb dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 20 năm.
James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đó nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m (gấp 3 lần kính thiên văn Hubble) được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, và các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua bụi và khí. Với khả năng vượt trội của kính viễn vọng James Webb, các nhà thiên văn học kỳ vọng sẽ có thêm những phát hiện sơ khai hơn nữa về vũ trụ.