Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Giải pháp thực hiện hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình (Bài 5)

Văn Hoa - 11:10, 31/08/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Chi Lăng đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đến với cộng đồng.

Nhiều mô hình truyền thông cộng đồng đang hoạt động hiệu quả, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình tại huyện Chi Lăng
Nhiều mô hình truyền thông cộng đồng đang hoạt động hiệu quả, góp phần ngăn chặn BLGĐ tại huyện Chi Lăng

Nhiều hoạt động phòng chống BLGĐ

Theo Báo cáo Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2018-2021 của UBND huyện Chi Lăng, số lượng các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) trong giai đoạn 2018 - 2021 có 42 vụ, có 32 vụ bạo lực trên cơ sở giới tại trường học, cộng đồng .

Thời gian qua, nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt hơn 2 năm qua, thông qua việc thực hiện những nội dung của Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, tâm lý xem BLGĐ là “chuyện nội bộ” đã giảm, những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc gia đình kịp thời, giúp chính quyền cơ sở xử lý hiệu quả sự việc liên quan đến BLGĐ.

Bà Vi Thị Hà, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn Nà Lìa, xã Hữu Kiên cho biết, thôn Nà Lìa có 90 hộ, 100% là người DTTS. Những năm trước đây, trên địa bàn thôn vẫn xảy ra tình trạng mâu thuẫn trong gia đình do người chồng uống rượu về chửi vợ con, năm ngoái cũng xảy ra một vụ, nhưng khi Tổ hòa giải thôn đến nhắc nhở, gia đình đã không tái phạm nữa.

Hội LHPN huyện Chi Lăng tổ chức Diễn đàn Phụ nữ với an toàn giao thông và phòng chống bạo lực gia đình; ra mắt Câu lạc bộ Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại xã Vân Thủy.
Hội LHPN huyện Chi Lăng tổ chức Diễn đàn Phụ nữ với an toàn giao thông và phòng chống bạo lực gia đình; ra mắt Câu lạc bộ Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại xã Vân Thủy.

Theo bà Hà, một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn BLGĐ, là trong hương ước, quy ước thôn có nêu rõ: Nếu gia đình nào xảy ra mâu thuẫn, ban đầu thì các tổ chức đoàn thể thôn đến nhắc nhở, lần tái phạm 1 sẽ phạt 100 nghìn đồng, lần 2 thì phạt 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chưa  phải phạt trường hợp nào.

Bà Vi Thị Hà bày tỏ, bây giờ ở thôn có Tổ hòa giải, thôn cũng đã thành lập Câu lạc bộ "Bình đẳng giới - phòng chống BLGĐ", bên cạnh đó, cán bộ văn hóa, tư pháp, công an xã cũng thường xuyên đến tận từng nhà, từng thôn tuyên truyền, vận động, do đó, gần 2 năm nay, thôn không xảy ra tình trạng BLGĐ

Tương tự, chị Vi Thị Hồng Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Thủy chia sẻ: Những năm trước kia, do phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS chủ yếu ở nhà, có va chạm bên ngoài nên tiếng nói và vị thế trong gia đình, xã hội còn hạn chế, do vậy ở một số gia đình vẫn còn  tình trạng gia trưởng, hoặc BLGĐ trong lĩnh vực giới... Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc triển khai các hoạt động phòng chống BLGĐ, xã Bắc Thủy không ghi nhận trường hợp BLGĐ nào.

Chị Thơm cho biết thêm, mới đây, thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân BLGĐ, thuộc Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, xã Bắc Thủy đã được đầu tư xây dựng mô hình đặt tại Trạm Y tế xã. Mục đích mô hình trở thành địa chỉ tin cậy để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị BLGĐ nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của BLGĐ; Giúp nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ họ nhanh chóng phục hồi về sức khỏe, về tâm lý và hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt là hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị gây bạo lực tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi được yêu cầu; đồng thời can thiệp, tư vấn cho đối tượng gây bạo lực trên cơ sở giới.

Nhiều tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng góp phần thay đổi nhận thức của người dân về bạo lực gia đình
Nhiều tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng góp phần thay đổi nhận thức của người dân về bạo lực gia đình

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BLGĐ

Bà Vy Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; Chú trọng từng bước đổi mới phương thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống BLGĐ với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS.

Việc tuyên truyền, vận động được huyện triển khai qua các hình thức như: Cán bộ trực tiếp đến từng thôn, từng nhóm hộ, từng nhóm dân tộc để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị sinh hoạt chi hội hằng tháng; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng; tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong các trường học;

Tính đến nay, có 95% cán bộ, hội viên phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm được tuyên truyền; 100% cán bộ, hội viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm được trang bị kỹ năng, kiến thức về Luật Phòng chống BLGĐ; 100% địa bàn trọng điểm đều có mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ bền vững…

Nhờ sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả đã góp phần giúp huyện Chi Lăng không còn bạo lực gia đình
Bằng nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền hiệu quả mà hơn hai năm nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình nào

Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn chủ động tổ chức diễn đàn “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, phòng chống mua bán người; xây dựng mô hình “nhóm cha mẹ từ 0 đến 8 tuổi”; thành lập được 14 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 21 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; ra mắt 21 nhóm phòng, chống BLGĐ, phòng chống tảo hôn; phối hợp mở 50 lớp tập huấn kiến thức về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống BLGĐ, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em…

Các cấp hội cơ sở còn đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học; đã cung cấp trên 200 tranh treo tường cho nhà trường với các chủ đề như: BLGĐ đối với trẻ em; ra mắt 5 mô hình “Bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ” tại xã Vân An, Vân Thủy, Gia Lộc, Bằng Mạc, thị trấn Chi Lăng. Các cấp hội là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ, người dân và cộng đồng thực hiện bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ  tại nơi cư trú.

Mới đây, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cũng tổ chức Hội nghị truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại 8 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện; Trong đó, báo cáo viên cũng đã dành nhiều thời gian phổ biến tới các đại biểu về Luật phòng chống BLGĐ.

Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể huyện Chi Lăng đã giúp người dân hiểu rõ về mối nguy hại của BLGĐ, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi, có lối sống lành mạnh, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Kết quả rõ nhất là, thời gian qua, trên địa bàn huyện Chi Lăng không xảy ra vụ việc nào liên quan đến  BLGĐ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.