Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nâng cao giá trị cho thổ cẩm

Trọng Bảo - 09:43, 06/02/2023

Lào Cai là tỉnh có trên 60% dân số là đồng bào DTTS. Mỗi dân tộc có những nét đặc sắc văn hóa riêng, trong đó, thổ cẩm đã gắn liền với đời sống, văn hóa tinh thần của đồng bào. Phấn khởi là, thổ cẩm đang trở thành mặt hàng có giá trị, giúp đồng bào vùng cao có thêm thu nhập.

Tỉnh Lào Cai có gần 300 cơ sở sản xuất thổ cẩm với các sản phẩm là thêu, dệt, may trang phục truyền thống
Tỉnh Lào Cai có gần 300 cơ sở sản xuất thổ cẩm với các sản phẩm là thêu, dệt, may trang phục truyền thống

Nghề dệt, thêu thổ cẩm có ở hầu hết các địa phương Lào Cai, nhưng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa và các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên. Để thúc đẩy ngành nghề truyền thống phát triển, tỉnh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, qua đó, vừa góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với Lào Cai.

Nhiều năm nay, chị Lò Mùi Liều ở thôn Phú Cường II, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, đặt mua nhiều loại thổ cẩm của đồng bào DTTS ở các nơi về may trang phục và thiết kế thành các sản phẩm quà lưu niệm. Không chỉ may mới, chị Liều còn thu mua những bộ trang phục cũ của bà con không còn dùng, bán cho khách muốn tìm hiểu về những bộ trang phục truyền thống nguyên bản của đồng bào. Qua thời gian, đến nay, các sản phẩm thổ cẩm của chị đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, có những bộ quần áo lên tới cả chục triệu đồng.

"Mới đầu tôi chỉ đem chỉ, tơ của dân tộc để đi đổi lại những bộ đồ cũ, giúp bà con tiêu thụ đồ cũ. Sau này tôi đưa sản phẩm lên mạng để bán, tới nay cũng đã được 6, 7 năm", chị Liều cho biết.

Hầu hết các cơ sở sản xuất thổ cẩm có quy mô nhỏ, thủ công, thời gian tạo ra một sản phẩm tương đối dài giá thành cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp
Hầu hết các cơ sở sản xuất thổ cẩm có quy mô nhỏ, thủ công, thời gian tạo ra một sản phẩm tương đối dài giá thành cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nghề dệt thêu thổ cẩm theo hướng hàng hóa. Từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đến nay Công ty có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Mỗi năm, công ty bán ra thị trường trên 700 mã sản phẩm, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng.

"Thời gian tới, tôi mong muốn làm một khu làng nghề để các chị em có công ăn việc làm, không phải đi bán hàng rong nữa. Từ đó, tạo thu nhập cho chị em phụ nữ vùng cao và góp phần duy trì, bảo tồn nghề truyền thống", chị Cung Thanh Mai, Giám đốc Công ty cho biết thêm.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có gần 300 cơ sở sản xuất thổ cẩm, với các sản phẩm là thêu, dệt, may trang phục truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở này có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, thời gian tạo ra một sản phẩm tương đối dài trong khi giá thành cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp. Bởi vậy, tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khuyến công, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm xây dựng thương hiệu cho thổ cẩm Lào Cai.

Mỗi dân tộc có những nét đặc sắc trong trang phục của mình
Mỗi dân tộc có những nét đặc sắc trong trang phục của mình

Ông Đào Xuân Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho biết: Đối với sản phẩm thổ cẩm, hiện nay tỉnh Lào Cai đang định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tập trung vào các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, khuyến khích, định hướng cho các cơ sở sản xuất phấn đấu phát triển các sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP.

“Biến di sản thành tài sản” là chủ trương lớn của tỉnh Lào Cai, trong đó, tỉnh chủ trương vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho chính người dân, vừa quảng bá nét đặc sắc văn hóa của Nhân dân các dân tộc Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế”, ông Đức nhấn mạnh.

Với những chủ trương, cách làm trong bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của thổ cẩm trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã và đang thể hiện quyết tâm trong việc duy trì, phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.