Đầu tháng 5/2020, chúng tôi tìm về khu vực rừng thuộc tiểu khu (TK) 210A và 226 để quan sát thực địa. Dù đất và rừng nơi đây đã có chủ là người ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), nhưng nhiều người dân ở xã Tú An, Cửu An, Xuân An (thị xã An Khê) vẫn vô tư vào phát dọn thực bì, tiếp tục xâm lấn thêm diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên để canh tác.
Theo ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, diện tích rừng sản xuất tại TK 210B, 217, 226 hiện do địa phương quản lý. Tuy nhiên, diện tích này bị người dân các xã Cửu An, Tú An, Xuân An lấn chiếm, canh tác nên việc quản lý rất gian nan. Do địa bàn xa, cách trở; hơn nữa, người dân các địa phương này cho rằng, diện tích rừng trước đây họ khai hoang, canh tác nên cương quyết chiếm giữ.
Còn theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhiều năm nay, hàng trăm người dân ở các xã: Cửu An, Tú An, Xuân An (thị xã An Khê) đã ngang nhiên lấn chiếm gần 890ha rừng thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận để trồng keo, bạch đàn, mì, đậu và một số loại hoa màu khác. Ngoài diện tích đất rừng do UBND xã Vĩnh Thuận quản lý, thì có hơn 162ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 1, 2, 4, thuộc TK 210A do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Vĩnh Thạnh quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban QLRPH huyện Vĩnh Thạnh cho biết, về mặt giấy tờ, Ban quản lý hơn 162ha rừng phòng hộ tại các khoảnh 1, 2 và 4, TK 210A. Nhưng lâu nay, diện tích này đã bị nhiều người dân ở làng Nhoi và làng Hòa Bình (xã Tú An) chiếm dụng canh tác.
“Nhiều năm qua, Ban vừa kiến nghị, vừa phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan tìm biện pháp giải quyết nhưng chưa có kết quả”, ông Phi thông tin.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê đã ký kết kế hoạch phối hợp, xử lý việc lấn chiếm đất rừng của người dân vùng giáp ranh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục lấn chiếm đất, phá hoại rừng và trả lại diện tích đã lấn chiếm. Thế nhưng, những nỗ lực đó vẫn không có kết quả.
Giám đốc Ban QLRPH huyện Vĩnh Thạnh Trần Phước Phi chia sẻ: Khi bị kiểm tra, nhiều người xâm lấn rừng sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí để chống đối, tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng kiểm tra, ngăn chặn. Bất chấp trước đây, có nhiều người lấn chiếm rừng đã bị xử lý hình sự, bị phạt tù về hành vi này. “Điều đáng lo ngại là, sau khi lấn chiếm, người dân sử dụng nhiều diện tích đất để trồng đậu và các loại hoa màu. Quá trình canh tác, họ dùng thuốc bảo vệ thực vật bơm cho cây trồng; một lượng không nhỏ thuốc thấm xuống đất, hòa vào mạch nước ngầm ở thượng nguồn”, ông Phi ái ngại.