Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Giải bài toán giao đất rừng cho đồng bào DTTS

PV - 10:05, 09/10/2018

Những năm qua, đã có nhiều chính sách về giao đất, giao rừng cho hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất nhằm giúp đồng bào có việc làm, thu nhập từ giao khoán bảo vệ quản lý rừng cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, do mức khoán thấp, chưa thể đảm bảo cuộc sống của người dân. Để khắc phục thực trạng này, tỉnh Bình Định đã triển khai một số giải pháp để đồng bào được hưởng lợi từ chính sách.

Bình Định Một số hộ đồng bào DTTS nghèo đã được cấp đất sản xuất, đời sống dần được ổn định (Trong ảnh: Bà con DTTS xã Canh Hòa, huyện Vân Canh chăm sóc mì).

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 10.624 hộ, với 39.000 nhân khẩu là người DTTS, sinh sống tại 33 xã thuộc 6 huyện. Qua rà soát cho thấy, có 1.594 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, chiếm tỷ lệ 15%; trong đó, có 7.000 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, chiếm 21%. Theo đó, hiện nay, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ còn cao.

Để đồng bào sống được với rừng, nhất là những người chưa có đất sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Thạnh đã giao khoán cho 2.093 hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ trên 26.179ha rừng, mức giao khoán 400 ngàn đồng/ha/năm (trung bình 5 triệu đồng/hộ/năm).

Tại huyện Vân Canh, từ năm 2011, địa phương cũng đã tổ chức giao khoán chăm sóc, bảo vệ trên 17.649ha rừng cho 1.300 hộ đồng bào DTTS ở các xã: Canh Hiệp, Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. Mỗi hộ được nhận 13ha rừng giao khoán. Riêng địa bàn xã Canh Liên và xã Canh Hiệp là vùng đặc biệt khó khăn được giao nhiều hơn với trên 15 ha/hộ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phạm Phụng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho rằng: tiến độ giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay còn chậm, đạt thấp. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích đất do các lâm trường giao lại đã bị người dân lấn chiếm nên việc thu hồi và phân chia hết sức khó khăn. Đặc biệt, tiền công quản lý, bảo vệ rừng chỉ có thể giúp bà con có thêm chút thu nhập, chứ chưa thể giải được bài toán thiếu đất sản xuất.

Hiện nay, tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành thu hồi 5.486ha đất do các công ty lâm nghiệp quản lý để giao cho người dân không có đất sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, từ năm 2007 đến 2014, đã giao hơn 536ha rừng về địa phương quản lý và sẽ tiếp tục giao trả cho địa phương hơn 1.450ha rừng để giao cho người dân sản xuất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh cũng đã đồng ý giao lại hơn 2.000ha rừng để địa phương sắp xếp, chia cho những hộ thiếu đất sản xuất.

Mới đây (đầu tháng 8/2018), trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV đã đánh giá: Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý đất đai của tỉnh Bình Định còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ. Việc giao đất rừng cho UBND xã quản lý là bất cập, bởi thực tế diện tích đất này người dân đã sử dụng bao đời nay, luân canh khai thác, trồng cây ăn quả, nhưng vì không có sổ đỏ nên để xã quản lý, trong khi đó, UBND xã không có chức năng quản lý đất rừng.

Báo cáo với Đoàn Giám sát, ông Trân Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận, hiện nay, việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho đồng bào DTTS ở địa phương vẫn chưa hoàn thành. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả còn nhiều. Nhiều nơi, đất rừng của các công ty lâm nghiệp còn bị người dân địa phương hoặc ngoài tỉnh lấn chiếm.

Ông Trần Châu cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chính sách giao đất, giao rừng ở địa phương những năm qua do chưa có kinh phí đo đạc đất rừng cấp cho đồng bào DTTS. Vừa qua, mới được cấp 11 tỷ đồng, cơ quan chức năng ở địa phương đang tiến hành đo đạc bản đồ, cắm mốc đất rừng để giao cho địa phương giao lại người dân chưa có đất sản xuất. Hiện các sở, ban, ngành liên quan đã tiến hành đo đạc xong hơn 5.486ha để giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu 6 địa phương có đồng bào DTTS sinh sống, trong tháng 8 phải hoàn thành các thủ tục kê khai và cuối tháng 12 hoàn thành việc giao đất rừng cho đồng bào.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.