Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nam Trà My (Quảng Nam): “Trình làng” bộ trang phục truyền thống chuẩn của người Ca Dong, Xơ Đăng, Mơ Nâm

Nguyệt Anh - 07:30, 09/04/2024

Sau hơn một năm sưu tầm, phục hồi, phục dựng trang phục, trang sức, dựa trên cơ sở đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn, nghệ nhân, già làng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã ra mắt bộ trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Lễ trao trang phục cho đại diện các nhóm dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng và Mơ Nâm sinh sống trên địa bàn huyện Nam Trà My . Ảnh: Tư liệu
Lễ trao trang phục cho đại diện các nhóm người Ca Dong, Xơ Đăng và Mơ Nâm sinh sống trên địa bàn huyện Nam Trà My . Ảnh: Tư liệu

Già làng, nghệ nhân Hồ Văn Bương là một trong những nghệ nhân được huyện Nam Trà My mời tham gia sưu tầm, phục dựng và đóng góp nhiều ý kiến quý báu về trang phục, trang sức của người Ca Dong. Ông cho biết, trang phục người Ca Dong gồm 4 gam màu chủ yếu là đen, đỏ, vàng và trắng. Các hoa văn, họa tiết được thể hiện dọc theo mép áo, ẩn chứa trong đó ý nghĩa nhất định về nhân sinh quan, lịch sử, cội nguồn của dân tộc.

Còn trang phục của phụ nữ Ca Dong gồm có áo và váy. Áo là kiểu áo chui đầu, tay cộc. Váy của người phụ nữ Ca Dong được dệt từ những sợi bông nhiều màu sắc, chủ yếu là đỏ, vàng, trắng. Thiếu nữ Ca Dong rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ, càng đeo nhiều chuỗi cườm càng thể hiện cho sự giàu có, sung túc của gia đình.

Đồng bào Ca Dong huyện Nam Trà My trong trang phục truyền thống thực hành lễ cúng máng nước
Đồng bào Ca Dong huyện Nam Trà My trong trang phục truyền thống thực hành lễ cúng máng nước

Phụ nữ Ca Dong khi có chồng và lớn tuổi thường đeo các chuỗi cườm hoặc trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, cổ tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội của làng.

Đàn ông Ca Dong ngày xưa là đóng khố, cởi trần. Trong các lễ hội, đàn ông Ca Dong thường quấn chéo thêm tấm vải trên ngực, nhìn như một chiến binh đang ra trận.

Còn trang phục của dân tộc Xơ Đăng là các loại khố và áo. Áo của đàn ông là áo chui đầu tay áo được khoét sát nách. Trang phục truyền thống của phụ nữ gồm áo, váy, tấm choàng (khăn vai) và địu em bé. Thông thường, áo của phụ nữ Xê Đăng được may theo kiểu dáng cổ tròn, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách.

Trang phục truyền thống của người Xơ Đăng ở Nam Trà My (Ảnh TL)
Trang phục truyền thống của người Xơ Đăng ở Nam Trà My (Ảnh TL)

Để tô điểm thêm, người Xơ Đăng còn sử dụng các loại hình trang sức như: vòng đồng, vòng bạc trên cổ, chuỗi hạt cườm đá thắt lưng hoặc trên cổ, đặc biệt các loại trang sức cổ xưa như nanh, vuốt thú... làm nên đặc trưng sắc phục Xơ Đăng. Thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành thường dùng tấm choàng khoác qua người như dấu hiệu cho những chàng trai biết mình chưa xây dựng gia đình, có thể trò chuyện, tìm hiểu.

Xưa kia, nam giới Xơ Đăng thường đóng khố, cởi trần. Trong các lễ hội, trang phục của đàn ông sẽ có thêm một tấm vải lớn thường quấn chéo trước ngực với nhiều hoa văn sặc sỡ. Trong cuộc sống đời thường, trang phục đàn ông Xơ Đăng còn giúp con người thuận lợi trong sinh hoạt, lao động. Ông Phạm Văn Thương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Trà My khẳng định, trang phục truyền thống của người Xơ Đăng là loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, phong phú, đa dạng về loại hình, sản phẩm, có giá trị thẩm mỹ với những đường nét hoa văn, sắc màu độc đáo, mang nét đặc trưng của vùng đất Nam Trà My.

Học sinh dân tộc Xơ Đăng ở Nam Trà My trong bộ trang phục truyền thống . Ảnh TL
Học sinh dân tộc Xơ Đăng ở Nam Trà My trong bộ trang phục truyền thống . Ảnh TL

Nếu như bộ sắc phục của đồng bào Ca Dong với 4 gam màu chủ yếu đó là đen, đỏ, vàng và trắng thì bộ trang phục truyền thống của người Mơ Nâm có màu đen đỏ chủ yếu, hoa văn trên trang phục chủ yếu được trang trí xung quanh váy, áo.

Trang phục của con gái Mơ Nâm gồm một chiếc váy quấn và áo được phối hợp với nhau, giúp người mặc vừa dịu dàng nhưng khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Bộ trang phục nữ gồm áo và váy, trên váy có nhiều hoa văn đa dạng, thể hiện nét đặc trưng của đồng bào. Cùng với trang phục, phụ nữ Mơ Nâm rất chú ý tới trang sức như, bông đeo tai bằng gỗ hoặc bằng tre, vòng cổ làm bằng đồng.

Trang phục của người Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm)
Trang phục của người Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm)

Đây là chương trình thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc như: các làn điệu dân ca, hát ting ting, hát ru của người Ca Dong, tục cưới, hỏi của người Mơ Nâm…

Trang phục của nam giới người Mơ Nâm thường gồm khố và áo dài. Đối với nam giới, trang phục thường đóng khố, cởi trần, trong đó khố được làm rất kĩ lưỡng. Trong những lễ hội truyền thống, người đàn ông thường quấn chéo thêm một tấm vải trên ngực.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết: Việc phục dựng lại và “trình làng” 3 trang phục truyền thống của nhóm người Ca Dong, Xơ Đăng, Mơ Nâm cư trú tại huyện Nam Trà My nhằm để phục vụ đồng bào mặc trong các ngày lễ hội của dân tộc như Lễ hội cúng máng nước, Lễ hội mừng lúa mới, múa cồng chiêng và làm trang phục trong trường học cho học sinh. Đây là tiền đề để trong những năm tới, Nam Trà My đẩy mạnh chương trình phục dựng trang phục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua đó khuyến khích giới trẻ, nhất là học sinh con em đồng bào các dân tộc sử dụng thường xuyên bộ trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cuộc sống hiện đại.

Học sinh người DTTS ở Nam Trà My mặc trang phục truyền thống khi lên lớp
Học sinh người DTTS ở Nam Trà My mặc trang phục truyền thống khi lên lớp

Cụ thể, huyện Nam Trà My đã hỗ trợ kinh phí để mua 1.000 bộ trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nâm… cấp cho các trường PTDTNT-THCS-THPT trên địa bàn huyện. Duy trì việc mặc trang phục truyền thống vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Ngoài ra, huyện cũng đã đưa các nghệ nhân trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống vào trường học để giới thiệu những họa tiết, hoa văn, cách làm khung dệt, rồi quy trình hoàn thiện một tấm dệt…

Đây là chương trình thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc như: các làn điệu dân ca, hát ting ting, hát ru của người Ca Dong, tục cưới, hỏi của người Mơ Nâm…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.