Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mùa tuốt lúa trên làng Hạnh phúc

Tiêu Dao – Hồ Quân - 21:20, 26/09/2023

Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 9 và tháng 10, khi lúa đã chín rộ, người Xơ Đăng ở Nam Trà My (Quảng Nam) bắt đầu việc thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Trà Cang (Ảnh Hồ Quân)
Cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Trà Cang (Ảnh Hồ Quân)

Nằm sâu trong dãy Trường Sơn, nóc Lâng Loan (còn gọi là nóc Măng KLâng cũ, ở thôn 3 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) là nơi sinh sống của 70 hộ dân, với 302 nhân khẩu người Xơ Đăng. Mới đây, dự án xây dựng làng Hạnh phúc nóc Lâng Loan đã hoàn thành và bàn giao cho chính quyền địa phương. 

Nóc Lâng Loan có khung cảnh thật yên bình với những mái nhà xinh xắn mái lợp tôn xanh hiện lên sau làn mây lãng đãng đẹp như một bức tranh. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay nơi ngôi làng trên đỉnh Trường Sơn, vào những ngày cuối tháng 9 này, người dân lại tất bật với mùa tuốt lúa trên nương.

Đồng bào Xơ Đăng ở Nam Trà My giúp nhau thu hoạch lúa (Ảnh Hồ Quân)
Đồng bào Xơ Đăng ở Nam Trà My giúp nhau thu hoạch lúa (Ảnh Hồ Quân)

Hằng năm, khi lúa trên rẫy đã chín vàng, người Xơ Đăng bắt đầu thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới, nguyện cầu một năm mưa gió thuận hòa, hạt giống khỏe mạnh, cây cối lên nhanh, lúa về trĩu hạt, bắp thì đầy kho, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Vào mùa tuốt lúa, thanh niên trai tráng cùng các thành viên trong gia đình đều đi tuốt lúa, thu hoạch, mang về phơi, cất trữ ở trong kho để ăn dần đến mùa giáp hạt.

Chủ hộ và gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa.
Chủ hộ và gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. (Ảnh Hồ Quân)

Khi lúa chín, chủ hộ và gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Sau đó, chủ hộ tuốt nắm lúa đầu tiên, rồi cả gia đình mới bắt đầu tuốt lúa và mỗi nhà mang một gùi lúa về nhà để mừng lúa mới. Sau khi tuốt lúa xong, đồng bào đưa lúa về kho cất giữ, mỗi gia đình mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới. Trên đường về, khi gặp ngã rẽ, bà con dùng cành cây chắn các lối đi phụ, chỉ để một lối đi từ kho lúa về nhà mình với quan niệm để lúa không lạc lối.

Đồng bào Xơ Đăng dùng tay tốt lúa rẫy (Ảnh Hồ Quân)
Đồng bào Xơ Đăng dùng tay tốt lúa rẫy (Ảnh Hồ Quân)

Khi kết thúc thu hoạch mùa vụ, gia đình của già làng tổ chức ăn mừng lúa mới trước, sau đó đến các gia đình khác trong làng. Tùy thuộc điều kiện kinh tế của gia chủ, quy mô lễ ăn mừng lớn hay nhỏ. Khoảnh sân trước nhà quật (nhà truyền thống của đồng bào Xơ Đăng) trên nóc Lâng Loan là địa điểm được UBND Trà Cang chọn làm không gian tổ chức đêm hội mừng lúa mới. Sau phần lễ là phần hội, người dân bản làng cùng uống rượu, múa hát những bài ca truyền thống, đánh cồng chiêng và tham gia các trò chơi, diễn xướng dân gian cho đến tận khuya. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, lễ hội chính mừng lúa mới của người Xơ Đăng mới kết thúc.

Niềm vui mang lúa về nhà.
Niềm vui mang lúa về nhà. (Ảnh Hồ Quân)

Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, mùa thu hoạch lúa mới và đêm hội văn hóa mừng lúa mới với các điệu hát và tiếng cồng chiêng vàng khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm. Đây là cơ hội để đồng bào Xơ Đăng gia tăng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, sản xuất và chung tay gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.

Chuông gió tạo ra âm thanh lách cách để đuổi chim chuột.
Chuông gió tạo ra âm thanh lách cách để đuổi chim chuột.

Lễ mừng lúa mới không chỉ thể hiện “kết thúc một vụ mùa bội thu, mở ra một năm mới đầy hứa hẹn” mà còn cả về tín ngưỡng tâm linh, qua đó giúp người dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.