Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mường Chà (Điện Biên): Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo

Hương Chi - 09:37, 25/08/2020

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thời gian qua, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, triển khai các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Mô hình phát triển chăn nuôi bò theo nhóm phát huy hiệu quả thiết thực tại nhiều xã vùng cao huyện Mường Chà (Điện Biên).
Mô hình phát triển chăn nuôi bò theo nhóm phát huy hiệu quả thiết thực tại nhiều xã vùng cao huyện Mường Chà (Điện Biên).

Huyện biên giới Mường Chà (Điện Biên) hiện có 13 dân tộc, với trên 92% dân số là người DTTS. Trên cơ sở phân tích đặc điểm, thế mạnh của từng xã và từng vùng dân cư sinh sống, huyện đã lựa chọn và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; tổ chức cấp cây, con giống giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, một số mô hình đã và đang phát huy hiệu quả được kể đến, như: Mô hình trồng dứa, trồng dong riềng, nuôi ghép cá trong ao, chăn nuôi đại gia súc...

Xác định nguyên nhân thiếu tư liệu sản xuất và thiếu vốn sẽ khiến cho rất nhiều gia đình DTTS chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo, do vậy, từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa, để mang lại hiệu quả cao hơn. Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện đã được mở rộng hơn 200ha, chiếm 62,3% tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn toàn tỉnh. Đáng chú ý, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, Mường Chà còn hướng người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Anh Giàng A Chía, xã Na Sang cho biết: Sau gần 5 năm được hỗ trợ giống, kỹ thuật, chuyển đổi sang trồng dứa đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1ha đất trồng ngô, lúa nương nên năm nào cũng bị đói ăn vào những tháng giáp hạt. Nhưng nay đã khác, mỗi năm gia đình anh có thể tiết kiệm được cả trăm triệu đồng từ việc bán dứa.

Song song với phát triển cây dứa, mô hình chăn nuôi bò theo nhóm được triển khai đầu tiên tại bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, sau đó nhân rộng tại nhiều xã khác đã góp phần tích cực vào giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2016, mô hình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các nhóm hộ có cùng sở thích, với mỗi nhóm có 6 hộ tham gia. Để thành lập được mô hình này các gia đình hội viên tự nguyện tham gia “Dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi, đến nay đàn bò đã phát triển lên gần 30 con.

Ông Ðinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả các chương trình giảm nghèo theo hướng đầu tư của Nhà nước, huyện tiếp tục tập trung nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, cộng đồng dân cư nâng cao vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, để không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.

Mặt khác, huyện chú trọng phân cấp, trao quyền cho người nghèo và chính quyền cơ sở trong tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo quy hoạch; khai thác, huy động thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.