“Ngược chiều” từ phố về bản
Chảo Thị Yến (còn có tên gọi khác là Chảo Yến) sinh năm 1990, dân tộc Dao, sinh sống tại xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cô là niềm tự hào của người Dao khi trở thành nữ thạc sĩ DTTS đầu tiên giành được học bổng du học Châu Âu.
Đặc biệt, kể từ sau khi cho ra mắt cuốn tự truyện “Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus”, nhắc đến cái tên Chảo Yến, nhiều người nghĩ ngay đến cô gái với nghị lực phi thường và khả năng truyền cảm hứng tới các bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Từ sau sự kiện này, Chảo Yến có cơ hội được đi thăm nhiều nước trong khu vực châu Âu, và được trải nghiệm các hoạt động bảo tồn văn hóa cộng đồng.
Trong những lần như vậy, Chảo Yến rất tự tin, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Cô cũng nhận ra, việc bảo tồn những giá trị này không chỉ giúp nối dài nền văn hóa bao đời, mà lâu dài hơn sẽ là giúp cộng đồng, để người dân mình phát triển và tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.
“Ở nơi mình sống, ngoài dân tộc Dao, còn có dân tộc Mông và Dáy, dân tộc Kinh..., do đó ít nhiều văn hóa Dao cũng bị ảnh hưởng. Nhất là những dịp cộng đồng Dao thực hành tâm linh mang tính quy mô, bà con ở bản đã phải sang Lai Châu để mời các thầy đến tổ chức, vì không ai làm được” Chảo Yến chia sẻ.
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về nước, mặc dù trải qua các công việc ở nhiều tổ chức có uy tín như: Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH)… với mức thu nhập đáng mơ ước, nhưng khát khao về bản vẫn rạo rực trong cô, đưa cô đến một quyết định bất ngờ: “bỏ phố về rừng”, bắt đầu một hành trình mới mẻ là sáng tạo nội dung, quảng bá văn hóa người Dao.
Thời gian đầu, quyết định táo bạo này của cô không được người thân ủng hộ. Mọi người bảo, đi học cao mà về lại đi quay linh tinh, ngày nào cũng đi phơi nắng đen nhẻm. Có người lại nói, việc này không ra tiền, bấp bênh, khác xa với công việc cô đã từng làm trước đó. Nhưng cô không nản lòng, “cuộc đời mình là chuỗi ngày “ngược chiều” mà, mọi người càng chưa nhận ra được việc quảng bá văn hóa dân tộc là quan trọng, mình càng phải nỗ lực hơn nữa”, Yến cho hay.
Không được sự ủng hộ của mọi người, và đối diện với nhiều lời bàn tán, xì xào, nhưng cô gái 9x Chảo Yến cho rằng, đây không phải là rào cản lớn nhất. Với cô, khó khăn mà cô đang đối diện, là những nét văn hóa truyền thống dân tộc giờ đây đã bị mai một, phai nhạt ít nhiều, vì vậy, việc tìm hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ là điều không hề dễ dàng.
Từ đây, cô xác định, việc quan trọng nhất, là từng bước tìm hiểu văn hóa dân tộc tường tận. “Mình quảng bá văn hóa cho mọi người, thì chính mình phải hiểu, phải biết về nó đã”. Song song với đó, cô lên ý tưởng, làm nội dung, kiêm nhiệm công việc của cả đạo diễn, quay phim, nhân vật chính và cả người chỉnh sửa cho chính những video của mình.
Những nỗ lực của Yến một lần nữa được đền đáp xứng đáng. Kho tàng những câu chuyện đời thường, những nét đẹp văn hóa dân tộc cứ thế xuất hiện gần gũi, chân thực trên các nền tảng mạng xã hội của cô, đóng góp không nhỏ vào quá trình khôi phục, giữ gìn, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao nơi miền sơn cước.
Cũng từ đây, công việc của cô dần được mọi người ủng hộ. Đến hiện tại, nhiều cô chú tại bản sẵn sàng hỗ trợ các khâu chuẩn bị, quay phim, thậm chí là cả làm diễn viên. “Mẹ mình là người phản đối nhất, giờ còn may áo để mình có trang phục quay video đấy”, Yến vui vẻ.
Những mục tiêu mới
Nhờ những nội dung thú vị cùng sự duyên dáng của mình, các kênh trên nền tảng mạng xã hội của Yến từ Facebook, Youtube đến Tiktok đều thu về lượng lớn người đăng ký theo dõi, ủng hộ, động viên cô tiếp tục góp phần để văn hóa Dao được quảng bá rộng rãi.
Mặc dù định hướng xây dựng nội dung “sạch”, Chảo Yến cho hay, cô vẫn nhận được không ít những bình luận tiêu cực, miệt thị, phán xét. Thời gian đầu, cô thậm chí còn phải khóa bình luận, không dám đăng video, chỉ vì sợ cách phản ứng của cộng đồng mạng.“Mình cũng là một cô gái thôi, yếu đuối, nhạy cảm. Cũng buồn, tổn thương và tủi thân lắm chứ”, Chảo Yến bộc bạch.
Tuy nhiên, với sự ủng hộ của độc giả, người đăng ký theo dõi, Chảo Yến quyết định đặt thêm nhiều mục tiêu cho bản thân, không chỉ truyền cảm hứng, tình yêu, niềm tự hào và ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, mà còn tiến tới quảng bá nông sản, góp phần nào đó để có thể thay đổi cuộc sống, giảm bớt những nhọc nhằn mưu sinh của người dân tại bản.
Nhờ vậy, ngày 10/7 vừa qua, một hợp tác xã (HTX) kết quả của quá trình “thai nghén” trong hành trình gắn bó của Chảo Yến cùng bà con, bản làng đã “ra đời”, với tên gọi là HTX Tri thức - Bản địa Goong (trong tiếng Dao, Goong có nghĩa là tốt đẹp). Hoạt động của HTX với mục đích đẩy mạnh thương mại các sản phẩm của người Dao, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tri thức bản địa đã được tích lũy từ hàng ngàn năm, như việc sử dụng các loại cây, lá rừng để chữa bệnh, các bài thuốc Nam, hay các sản phẩm nông sản được canh tác theo hướng thuận tự nhiên.
“Chảo Yến luôn có ước mơ là sẽ làm được nhiều điều có ích cho đồng bào DTTS. Do vậy, Yến hy vọng khi đi vào hoạt động chính thức, HTX sẽ là cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con, khắc phục thực tế tự cung tự cấp, tác động đến kinh tế một cách tích cực, rõ ràng hơn”, Chảo Yến bộc bạch.
Cũng theo Chảo Yến, thời gian đầu thành lập HTX chắc chắn cô sẽ phải chuyên tâm, dành nhiều thời gian quản lý, phát triển. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục chú trọng xây dựng các kênh mạng xã hội của mình, theo hướng chỉn chu, chuyên nghiệp hơn, với mong muốn “vừa quảng bá văn hóa đặc trưng, vừa đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương”.