Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào Dao ở Kỳ Thượng xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững

Mỹ Dung - 11:17, 23/07/2023

Kỳ Thượng là xã vùng cao của Tp. Hạ Long (Quảng Ninh), chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống. Đây là địa phương có thế mạnh về rừng, đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng và nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc dân tộc Dao. Nắm bắt tiềm năng, lợi thế ấy, chính quyền và nhiều hộ dân nơi đây đã hướng tới phát triển kinh tế du lịch cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Đồng bào Dao tổ chức nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch đến bản. (Trong ảnh: Hộ gia đình đun nước lá tắm của người Dao phục vụ khách)
Đồng bào Dao tổ chức nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch đến bản. (Trong ảnh: Hộ gia đình đun nước lá tắm của người Dao phục vụ khách)

Khai thác lợi thế

Xã Kỳ Thượng, một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Tp. Hạ Long. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, xã còn được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, nhiều hệ thống sông, hồ, suối, thác nước dựng đứng, đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn tạo thành khung cảnh tự nhiên “sơn thủy hữu tình”, khí hậu mát mẻ quanh năm, được coi như “cỗ máy điều hòa khổng lồ” cho Tp. Hạ Long.

"Xã còn có rừng đầu nguồn, rừng sinh thủy nên nguồn nước sạch dồi dào, hệ sinh thái đa dạng. "Khí hậu ở Kỳ Thượng không thua gì Tam Đảo hay Sa Pa, thậm chí còn trong lành, tuyệt vời hơn", ông Bàn Văn Vi, Trưởng thôn Khe Phương khoe với chúng tôi.

Xác định lợi thế giá trị về lâm nghiệp, cảnh quan tự nhiên; bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, vận động, định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Nguyễn Trung Kiên sau nhiều năm ấp ủ đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm, tại thôn Khe Phương. “Sau những lần đến với núi rừng và bà con vùng đất Kỳ Thượng, gia đình tôi đã quyết tâm bắt tay vào làm du lịch, liên kết với một số hộ để cùng cộng đồng sinh lợi”, anh Kiên chia sẻ.

Cũng nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mà nhiều lao động trên địa bàn đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Anh Bàn Văn Huy, người dân tộc Dao, hồ hởi kể: Được công ty du lịch nhận vào làm, tôi đã có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thành hộ khá giả trong thôn”.

Phát triển du lịch bền vững

Một trong định hướng phát triển của Kỳ Thượng, cũng như nhiều xã vùng cao của Tp. Hạ Long, đó là hướng đến phát triển các mô hình du lịch bền vững, phát triển thêm mô hình dịch vụ mới nhưng vẫn bảo vệ toàn diện rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa bản sắc đồng bào dân tộc Dao.

Du khách hào hứng với dịch vụ chèo thuyền SUP trải nghiệm, ngắm cảnh với vẻ đẹp dân dã nơi đây
Du khách hào hứng với dịch vụ chèo thuyền SUP trải nghiệm, ngắm cảnh với vẻ đẹp dân dã nơi đây

Đồng thời, tận dụng địa hình khe suối có thể cải tạo lòng suối, để có thể đi thuyền ngắm cảnh hai bên bờ suối tự nhiên, gắn với Tour trải nghiệm do người địa phương dẫn đường để khám phá thiên nhiên trong khu bảo tồn, đỉnh núi Thiên Sơn.

Trong phương án phát triển rừng bền vững do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đề xuất, cũng định hướng các loại hình du lịch chính, như: Du lịch sinh thái - trải nghiệm thiên nhiên, du lịch khám phá thiên nhiên/mạo hiểm leo núi, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch văn hóa phi vật thể, vật thể, du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch cộng đồng. 

Sản phẩm du lịch chính như: Tham quan, Check in, tắm suối, bơi lội, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh trong rừng, du lịch học tập/nghiên cứu, du lịch ẩm thực truyền thống (rượu chua, canh gà nấu gừng, ốc khe…), du lịch chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc nam người Dao)...

Quảng bá ẩm thực truyền thống địa phương
Khách đến địa phương rất hài lòng với những món ăn được chế biến từ nguyên liệu do chính đồng bào Dao làm ra

Ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, hiện nay địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kỳ Thượng đến với du khách thăm quan Hạ Long, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Dao Thanh Phán, trải nghiệm món ăn đặc trưng của Kỳ Thượng.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng đắn trong lộ trình phát triển du lịch của xã Kỳ Thượng nói riêng, cũng như Tp. Hạ Long nói chung. Từ định hướng này, góp phần tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho người dân, vừa lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.