Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mùa mít chín ở Ia Chim

Văn Nhiên - 14:56, 01/04/2021

Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật cũng là mùa mít chín. Dưới cái nắng chang chang, nhưng vừa bước vào các trang trại mít sum xuê xanh tốt ở xã Ia Chim, TP. Kon Tum (Kon Tum), tôi cảm nhận không khí mát lành và mùi mít chín thơm lừng. Nếu có dịp đến thăm các trang trại mít, không ai muốn rời đi...

Chị Trần Thị Mai giới thiệu sản phẩm mít vườn với du khách tham quan.
Chị Trần Thị Mai giới thiệu sản phẩm mít vườn với du khách tham quan.

Xây dựng thương hiệu cho trái cây Ia Chim

Bước vào các trang trại cây ăn quả được sản xuất theo phương thức hữu cơ của chị Trần Thị Mai, thôn Plei Bur, tôi nghe thấy chim hót lảnh lót, ong mật bay vo vo, bám đầy trên những cây ổi nở hoa trắng xóa. Trên cây bơ chi chít hoa vàng đang hứa hẹn mùa bội thu và hơn cả là cảm nhận không khí trong lành từ vườn cùng hương mít chín thơm lừng.

Cây mít nào sai chĩu quả, gia đình chị Mai cho cắt tỉa bớt để trái mít không làm gãy cành và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Trong vườn, mít được trồng tập trung nhiều dọc theo khuôn viên vườn để chắn gió bảo vệ các loại cây ăn quả khác. Bởi cây mít gỗ cứng, cành lá nhiều, rễ ăn sâu và bám chặt vào đất nên có khả năng chống gió rất tốt. Chị Trần Thị Mai cho biết, gia đình chị đầu tư trồng cây ăn quả theo phương thức sản xuất hữu cơ từ năm 2018. Trang trại rộng 9 ha với nhiều loại ăn quả như bơ, mít, sầu riêng, ổi..., trong đó có 500 cây mít, chủ yếu là giống mít Indonesia, mít Thái Lan múi vàng, dày và ngọt.

Theo chị, hiện nay đang là mùa mít. Cứ vài ngày chị hái mít và bán một lần. Giá mít bán ra khoảng 15.000 đồng/kg. Cây mít cũng như các loại cây ăn quả khác được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, phân bón là phân chuồng hoai mục và phân hữu cơ ngoại nhập; thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây là thuốc vi sinh và các loại thuốc thảo mộc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp chăm sóc cây và người dùng trái cây. Là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thương mại, dịch vụ (NN&TMDV) Ia Chim, chị Mai luôn cố gắng cùng với HTX để xây dựng thương hiệu trái cây Ia Chim.

“Trong nền kinh tế hội nhập, nếu mình không liên kết lại để cùng nhau xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm thì sản phẩm khó được thị trường chấp nhận và “chen chân” vào các thị trường khó tính. Bởi xã hội ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng coi trọng chất lượng và an toàn thực phẩm. Trước yêu cầu của thị trường, đòi hỏi mỗi thành viên trong HTX phải có ý thức xây dựng thương hiệu và không thể khác!”, chị Mai giãi bày.

Du khách tham quan vườn mít của chị Trần Thị Mai
Du khách tham quan vườn mít của chị Trần Thị Mai

Triển vọng vươn xa...

Ở trong vườn mít không khí mát lạnh, không ai muốn rời đi. Chị Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim tươi cười: Tranh thủ, chúng ta còn đi thăm vườn khác. Không chỉ các thành viên ở Hợp tác xã NN&TMDV Ia Chim mới trồng nhiều mít, các hợp tác xã như: Hợp tác xã Liên kết xanh (LKX), Hợp tác xã Thần nông... cũng trồng nhiều cây ăn quả, nhất là mít. Tổng diện tích ây ăn quả thiện nay của xã là 480 ha.

Nói rồi chị Trang đưa chúng tôi đến thăm trang trại mít của chị Võ Thị Thu Hằng- thành viên của HTX LKX ở thôn Klâu Ngol Zố. Trang trại của chị Hằng có 12 ha cây ăn quả, trong đó có 660 cây (khoảng 3 ha) mít Thái Lan. Vườn cây ăn quả của gia đình chị được sản xuất theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống bơm tưới nước được lắp đặt đến từng cây, phun sương tự động. Năm nay, cây mít trong trang trại chị Hằng đang đi vào kinh doanh. Bình quân mỗi cây mít thu gần 100 kg quả.

Trong trang trại của chị Hằng lúc nào cũng có ít nhất 4 lao động, thời vụ bón phân thường có 10 - 15 lao động. Lao động làm việc trong trang trại được chị trả 5 - 7 triệu đồng/người/tháng (tùy thuộc công việc).

Giữa trưa, bên ngoài trời nắng chang chang, nhưng đứng trong vườn mít của chị Hằng, tôi có cảm giác như mình đang ở trong nhà có điều hòa nhiệt độ. Có lẽ do lá mít dày chứa nhiều nước, cây mít trong vườn sum xuê xanh tốt, tỏa bóng mát kín mặt đất nên ai cũng có cảm giác mát mẻ, dễ chịu.

Cũng như chị Trần Thị Mai, chị Võ Thị Thu Hằng chia sẻ, vùng đất đỏ ba zan ở xã Ia Chim rất phù hợp với việc phát triển mít và các loại cây ăn quả khác. Chuyên canh cây mít cũng như các loại cây ăn quả khác cho thu nhập ổn định. Các thành viên trong các hợp tác xã ở xã Ia Chim đang xây dựng thương hiệu trái cây Ia Chim.

Chị Võ Thị Thu Hằng bên vườn cây ăn quả của gia đình
Chị Võ Thị Thu Hằng bên vườn cây ăn quả của gia đình

Là người chuyên canh cây ăn quả lâu năm và có tiếng ở địa phương, ông Bùi Trung Sơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã NN&TMDV Ia Chim khẳng định, điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng xã Ia Chim rất thuận lợi để phát triển cây ăn quả, nhất là các loại cây như mít, sầu riêng, bơ, ổi, quýt... Các loại trái cây ở Ia Chim từ lâu nổi tiếng thơm ngon.

Mặc dù năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá thấp hơn những năm trước, nhưng HTX NN&TMDV Ia Chim vẫn đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, bình quân khoảng 273 triệu đồng/ha (đã trừ diện tích kiến thiết cơ bản) và lợi nhuận khoảng 7,3 tỷ đồng.

Với mong muốn xã Ia Chim trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh cây ăn trái chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu...HTX NN&TMDV Ia Chim mong các cấp, các ngành ở địa phương có kế hoạch đầu tư sửa chữa, làm mới các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng để bà con vận chuyển trái cây không gặp khó khăn; đồng thời tạo điều kiện cho các thành viên HTX được vay các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, ông Bùi Trung Sơn nhấn mạnh. 

Dù mới được thành lập, nhưng HTX NN&TMDV Ia Chim đã phát triển 85 ha cây ăn quả với 24 thành viên; tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời qua phát triển, các thành viên trong HTX đều thống nhất và quyết tâm cao về việc xây dựng vùng trồng cây ăn quả với các sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.