Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mộc Châu (sơn la): Phát triển kinh tế từ cây ăn quả

PV - 09:04, 15/10/2018

Những năm qua huyện Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả năng suất cao. Đến nay, toàn huyện có hàng ngàn ha cây ăn quả đặc trưng có giá trị kinh tế cao được trồng tập trung ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và các xã Tân Lập, Mường Sang, Phiêng Luông.

Mộc Châu Gian hàng trưng bày các loại hoa quả sạch của Mộc Châu tại Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La năm 2018. Ảnh: Thanh Tùng

Là một trong những gia đình ở xã Chiềng Sơn tiên phong chuyển đổi cây trồng, ông Đặng Văn Thái cho biết, năm 2016, gia đình ông đã chuyển đổi 1ha trồng ngô trên đất dốc sang trồng chanh leo giống Đài Nông I của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc. Được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nên vườn chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô.

Cùng với gia đình ông Đặng Văn Thái, việc trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Chiềng Sơn dần trở thành phong trào, từ việc trồng manh mún nay đã hình thành các hợp tác xã (HTX), đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất đã tạo vùng chuyên canh cây ăn quả, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc HTX Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, cho biết: HTX hiện có 35 thành viên, với quy mô 50ha chuyên canh trồng cây ăn quả, trong đó HTX đã được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc lựa chọn ký hợp đồng xây dựng 13ha chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Ngoài ra, HTX đang chuyên canh hơn 20ha hồng giòn, xoài, nhãn, bơ và các loại cây ăn quả có múi, với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm. HTX đã tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông hộ. Nhiều hộ có mức thu nhập ổn định từ 100 đến trên 300 triệu đồng/năm/ha.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, từ năm 2016 đến nay, huyện Mộc Châu đã chuyển khoảng 3.000ha đất trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả gồm: Chanh leo, hồng giòn, bơ... Một số loại cây ăn quả đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc và đưa giống mới năng suất cao vào thay thế, trong đó giống bơ kim cương của Mỹ đã được lai ghép tại Mộc Châu.

Hiện toàn huyện có gần 7.400ha cây ăn quả, trong đó 3.659ha cho thu hoạch, sản lượng quả đạt gần 25.000 tấn. Trong đó, có trên 180ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, gồm: 97ha sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; 83ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, gần 1,7ha dâu tây sản xuất trong nhà lưới.

Với chiến lược lâu dài phát triển vùng cây ăn quả, huyện Mộc Châu khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với diện tích lớn, sử dụng công nghệ tưới ẩm của israel và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào trồng mận, dâu tây, hồng giòn, bơ... Ngoài chính sách của tỉnh, huyện Mộc Châu đang thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân một phần kinh phí xây dựng nhà lưới, hỗ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến trong trồng, chăm sóc cây ăn quả từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện. Đồng thời, hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân, đảm bảo nông dân tiếp cận được các công nghệ mới, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản và xuất khẩu…

Với hướng đi này, trong những năm tới, Mộc Châu sẽ là vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công công nghệ cao của tỉnh Sơn La theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Từ đây, nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của Mộc Châu sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.