Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Một góc nhìn về bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS hiện nay: Trang phục “lạ" đang thu hút du khách (Bài 1)

Văn Hoa - 09:30, 24/04/2023

Mặc trang phục truyền thống các DTTS tại các điểm du lịch, chụp ảnh đăng tải trên các trang mạng xã hội... đang là trào lưu yêu thích của khách du lịch. Nắm bắt xu hướng đó, dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc nở rộ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Tuy nhiên, gần đây, nhiều du khách xuất hiện trong các trang phục lạ, ngoại lai khác xa với trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng.

Mặc trang phục dân tộc của người dân địa phương để chụp ảnh làm kỉ niệm đang là trào lưu yêu thích của khách du lịch (Trong ảnh, trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, Hà Giang)
Mặc trang phục dân tộc của người dân địa phương chụp ảnh kỉ niệm đang là trào lưu yêu thích của khách du lịch. (Trong ảnh: Trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, Hà Giang)

Trang phục dân tộc - sản phẩm du lịch tiềm năng

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, ngoài 85,4% dân số là người Kinh, thì 53 DTTS còn lại chiếm 14,6% dân số cả nước, với những bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo. Mỗi dân tộc đều có một nét riêng trong phong tục, tập quán và trang phục. Trong đó, trang phục được ví như đặc điểm nhận dạng của dân tộc.

Nhiều du khách, trong đó có nhiều bạn trẻ, khi đến các điểm du lịch vùng đồng bào DTTS sinh sống, thường có nhu cầu mặc trang phục dân tộc của người dân địa phương để chụp ảnh làm kỉ niệm. Đây là nhu cầu chính đáng, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc tại điểm đến, đặc biệt, giúp địa phương quảng bá hình ảnh du lịch.

Với nhu cầu thực tế đó, nhiều điểm du lịch, nhiều địa phương đã nở rộ dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc, mang lại nguồn thu lớn. Đơn cử như tại bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai), những ngày cuối tuần có tới hàng nghìn lượt khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, đa số du khách, nhất là giới trẻ đều có nhu cầu thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh.

Đa số khách du lịch đến với bản Cát Cát và các điểm du lịch khác đều có nhu cầu thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh lưu niệm (Trong ảnh, bản Cát Cát tháng 10 năm 2022)
Đa số khách du lịch đến với bản Cát Cát và các điểm du lịch khác đều có nhu cầu thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh lưu niệm. (Trong ảnh: Bản Cát Cát tháng 10/2022)

Nếu tính sơ sơ, mỗi bộ trang phục nam, thường có giá thuê dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/bộ, bộ nữ dao động từ 50 - 150 nghìn đồng/bộ thì thấy rằng, nguồn lợi từ dịch vụ cho thuê trang phục là rất lớn.

Thời gian qua, hầu khắp các điểm du lịch ở Việt Nam đều có dịch vụ cho thuê đồ truyền thống các dân tộc, như tại Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Điện Biên, hầu khắp các điểm du lịch tại Hà Giang… Và ngay cả Thủ đô Hà Nội, dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc cũng rất sôi nổi.

Có thể thấy rằng, dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc mang lại nhiều lợi ích và đầy triển vọng. Với du khách, được trải nghiệm về văn hóa, trang phục các dân tộc tại điểm đến và có những bức ảnh lưu niệm đẹp. Với người dân thì có một khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt là quảng bá và lan tỏa hình ảnh du lịch cho địa phương…

Sức hút của trang phục “lạ”

Hiện nay, tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng, thật dễ dàng nhận ra nhiều bộ trang phục “lạ”, có yếu tố ngoại lai, không phải trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.

Mới đây, blogger du lịch Khoai Lang Thang đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân cho biết, anh rất buồn vì thực trạng nhiều du khách trong nước diện trang phục truyền thống của người Mông Cổ, Tây Tạng khi đến tham quan tại sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Điều này đã khiến một số bạn bè người nước ngoài hiểu lầm về định danh của địa điểm. Bài viết của anh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng và giới truyền thông, báo chí.

Bức ảnh du khách chụp ảnh với bộ trang phục ngoại lai xuất hiện trên sông Nho Quế gây ra nhiều ý kiến trái chiều
Bức ảnh du khách chụp ảnh với bộ trang phục ngoại lai xuất hiện trên sông Nho Quế gây ra nhiều ý kiến trái chiều

Được biết, tại bến thuyền Nho Quế (Mèo Vạc) có 4 hộ kinh doanh cho thuê trang phục phục vụ du khách Cheek-in. Ngoài các trang phục các dân tộc ở Việt Nam, các hộ còn nhập về nhiều mẫu trang phục nước ngoài. Phần lớn thiết kế được may lại theo nguyên mẫu đồ truyền thống của người Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan, Lào... và chỉ phục vụ kinh doanh cho khách du lịch thuê chụp ảnh, với mức giá khoảng 100.000 đồng/bộ.

Hay tại như ở bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai), được mệnh danh là ngôi làng người Mông đẹp nhất Tây Bắc. Nhiều du khách chọn khoác lên mình trang phục Mông Cổ, Miêu Cương… Nhiều khách du lịch có trách nhiệm với văn hóa dân tộc tỏ ra khó chịu, rằng đi tham quan bản Cát Cát (Sa Pa) mà ngỡ như lạc sang Mông Cổ, vì đa số du khách đến đây đều thích và mặc trang phục Mông Cổ, nhất là giới trẻ.

Chị N., du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, do không có điều kiện đi du lịch Mông Cổ nên khi biết bản Cát Cát có dịch vụ cho thuê và chụp ảnh trang phục Mông Cổ qua các trang mạng xã hội, chị đã rủ người thân lên Cát Cát để trải nghiệm dịch vụ này. 

Anh Xuân Hiến - hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội chia sẻ, du khách tới Cát Cát, đặc biệt là các bạn nữ thường thích mặc những bộ trang phục Mông Cổ, Tây Tạng nhìn khá đẹp mắt. Đây cũng là một điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho khu du lịch.

Đại đa số khách du lịch, nhất là các bạn trẻ khi đến Cát Cát đều thích mặc những bộ trang phục Mông Cổ, Tây Tạng
Không ít khách du lịch, nhất là các bạn trẻ khi đến Cát Cát đều thích mặc những bộ trang phục Mông Cổ, Tây Tạng

Có thể thấy rằng, đây là một hiện tượng khá phổ biến, không riêng gì Mèo Vạc và Sa Pa. Điều đáng nói hơn là du khách lại đăng tải bức ảnh mặc trang phục này ở những khung cảnh nổi tiếng, có tính nhận diện ở các điểm đến du lịch trong nước. Và chắc chắn rằng, vô hình chung sẽ gây nên cách hiểu sai lệch văn hóa, dân tộc đối với du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam. Thực trạng này thật đáng quan ngại!.

Không phải chuyện mới

Với vai trò là tiếng nói của đồng bào các dân tộc Việt Nam, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải nhiều bài viết, nhằm định hướng bạn đọc có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS, như: Tuyên dương về những mô hình hay trong bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc; đặc biệt là phản ánh những bộ trang phục dân tộc bị cách tân lai căng, biến dạng, gây phản ứng trong xã hội...

Nét đẹp trong trang phục dân tộc truyền thống tại sông Nho Quế. Nguồn ảnh: Minh Đức
Nét đẹp trong trang phục dân tộc truyền thống. Nguồn ảnh: Minh Đức

Như tháng 4/2022, Báo Dân tộc và Phát triển có bài viết “Cách tân trang phục DTTS - Không nên quá đà…” có đề cấp đến một cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc Thái tại Điện Biên, đã cho ra nhiều mẫu áo có sự cách tân táo bạo, sử dụng thổ cẩm đỏ (vải khít, tiếng Thái là khít đành, pe đành), mà theo nhiều người Thái có phần giống với những mẫu vải được sử dụng trong đám tang, nhà mồ, có tính chất ma mị, kinh dị.

Mặc dù vậy, nhiều khách du lịch do chưa nhận biết được tầm sâu văn hóa dân tộc Thái, thấy bộ đồ có màu khá bắt mắt nên đã thuê, chụp ảnh những bộ trang phục trên và đăng lên mạng xã hội Facebook. Do đó, cộng đồng người Thái có nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình, khó chịu.

Chủ Shop XX (đã được đổi tên) cho rằng, đó là trang phục cách tân, rất mới lạ và phá cách, để tiếp cận giới trẻ hiện nay. Nên có những sự thay đổi mới lạ để thu hút hơn.

Bộ trang phục dân tộc Thái được cách tân sử dụng chất liệu vải không phù hợp gây ra phẫn nộ trong cộng đồng dân tộc Thái được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh
Bộ trang phục dân tộc Thái cách tân, sử dụng chất liệu vải không phù hợp gây phản ứng trong cộng đồng dân tộc Thái được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh

Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến phản hồi của cộng đồng mạng xã hội, những người cao niên trong cộng đồng người Thái và với những phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển, chủ Shop XX đã lắng nghe và tiếp thu, không còn cho thuê trang phục trên nữa.

Ngoài ra ở một số nơi còn có tình trạng sử dụng trang phục được sản xuất công nghiệp dẫn tới thay đổi về họa tiết, hoa văn, đường nét tinh tế. Những trang phục ấy chỉ hao hao, giông giống mà không còn đúng bản sắc, hồn cốt của nó. Một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS lại sử dụng loại trang phục truyền thống là hàng nhái, giả được may sẵn bán trên thị trường về để sử dụng. Điều này tồn tại lâu dài sẽ rất dễ nhận diện sai lệch về trang phục dân tộc.

Có thể thấy rằng, hiện nay dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc khá phát triển, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm độc đáo khi đi du lịch. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý với những bộ trang phục cách tân, trang phục “ngoại lai” không phù hợp. 

Điều này không chỉ đặt ra vấn đề về sự cẩn trọng của du khách, lòng tự tôn, tình yêu dân tộc của các hộ kinh doanh, mà còn đòi hỏi công tác quản lý hoạt động cho thuê trang phục dân tộc của chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.