Bên ấm chè thơm, ông Ngọc kể: Năm 1972 vợ chồng ông cưới nhau, sau đó lần lượt 6 người con ra đời. Để có tiền nuôi các con ăn học, ông Ngọc đầu tư một cái máy xay lúa nhỏ, còn bà Thuấn thì buôn thúng bán bưng ở chợ gần nhà. Các con ông ai cũng chăm ngoan, học giỏi, 3 người con đầu của ông lần lượt thi đậu vào các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh.
Thương con vất vả và cũng muốn gần các con hơn, năm 2003, vợ chồng ông quyết định rời quê hương Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp. Ở vùng đất mới, ông Ngọc phải đi làm phụ hồ, còn bà Thuấn ở nhà làm bánh tráng kiếm tiền nuôi các con ăn học. Bà Thuấn kể: Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi ngày hai vợ chồng cố gắng bỏ ống heo 10.000 đồng, đến hết tháng được 300.000 đồng gom lại gửi cho các con”.
“Dù có khổ đến đâu tôi cũng không để các con nghỉ học. Để tiếp tục có tiền cho con đóng học phí, gia đình tôi phải vay ngân hàng chính sách rồi trả dần. Cứ nghĩ đến tương lai của các con mà cả hai vợ chồng ngày nào cũng quyết tâm vượt khó, tích cực lao động bằng đủ nghề để kiếm đồng tiền chính đáng lo cho mấy đưa nhỏ”, ông Ngọc tiếp chuyện.
Chính sự động viên, quyết tâm của bố mẹ nên các con ông Ngọc đều ăn học thành tài. Trong đó, cô con gái đầu, chị Hàn Thị Thuần, 43 tuổi, hiện đang công tác tại Thư viện tỉnh Bình Phước; anh Hàn Văn Túy, 41 tuổi, là bác sĩ chuyên khoa I làm tại Bệnh xá Công an tỉnh Bình Phước; anh Hàn Văn Tuấn, 39 tuổi, làm giáo viên tại một trường THCS ở huyện Bù Đốp; anh Hàn Văn Tú, 36 tuổi, là thạc sĩ Toán học đang công tác tại Trường THCS-THPT Đồng Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; chị Hàn Thị Hòa, 34 tuổi, là thạc sĩ kinh tế, hiện làm giảng viên Trường Đại học Ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh. Còn cậu con trai út Hàn Văn Thuận, 33 tuổi, là thạc sĩ Toán học làm giáo viên một trường tư thục tại TP. Hồ Chí Minh.
Nói về cha mẹ mình, chị Hàn Thị Thuần chia sẻ: “Anh chị em chúng tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào sự chăm sóc, dạy dỗ có phương pháp của cha mẹ. Thuở nhỏ, cha mẹ dạy chị em tôi những điều hay, lẽ phải và biết phấn đấu trên con đường học tập cũng như đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, có trách nhiệm với xã hội. Dù chúng tôi đã có công việc và gia đình ổn định nhưng bố mẹ vẫn động viên các con tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao kiến thức cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội”.
Những vất vả ngày nào của ông Ngọc và bà Thuấn nay đã được đền đáp bằng niềm vui tuổi già với tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó và bên con cháu xum vầy. Câu chuyện về gia đình ông Ngọc, bà Thuấn đã trở thành tấm gương về gia đình hiếu học được nhiều người biết đến.
THANH LIÊM