Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa của các Hợp tác xã ở Hòa Bình đang phát huy hiệu quả

Hà Việt Lâm - 07:03, 25/11/2023

Trong những năm gần đây, nhiều hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chọn hướng chăn nuôi lợn bản địa quy mô hàng hóa để phát triển kinh tế. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện cho người chăn nuôi nhân giống, thành lập các chuỗi sản xuất nâng tầm thương hiệu lợn bản địa Hòa Bình.

Nuôi lợn bản địa là hướng kinh tế của các thành viên Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương, huyện Đà Bắc.
Nuôi lợn bản địa là hướng phát triển kinh tế của các thành viên Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương, huyện Đà Bắc.

Một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển chăn nuôi lợn bản địa ở huyện Đà Bắc là Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương. Được thành lập từ tháng 8/2022, Hợp tác xã đã chọn hướng chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh. Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, nên ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã đã lựa chọn và phát triển giống lợn. Đặc điểm giống lợn này chân nhỏ, mõm nhỏ, thịt thơm, bụng thon, ít mỡ. Chúng thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Giống lợn này là giống lợn truyền thống đã có từ xa xưa ở Đà Bắc, là niềm tự hào của nông người Đà Bắc.

Để tìm được giống lợn thuần chủng, Hợp tác xã lựa chọn những hộ dân chăn nuôi truyền thống từ nhiều năm nay rồi tuyển lựa giống lợn. Qua thời gian dài đã tìm được những con lợn nái thuần chủng để chuyển về cho các hộ thành viên nuôi để nhân giống. Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương cho biết: Từ trước khi thành lập Hợp tác xã, gia đình tôi đã cung ứng sản phẩm thịt bản địa ở Đà Bắc đến nhiều thị trường lớn. Họ rất thích giống lợn bản địa ở Đà Bắc do chủ yếu là nuôi thả vườn, đồi nên chất lượng thịt rất ngon. Sau khi thành lập Hợp tác xã định hướng phát triển chăn nuôi lợn bản địa theo chuỗi cung ứng cho người tiêu dùng từ chuồng trại đến bàn ăn. Để nhân giống rộng rãi hơn, Hợp tác xã đã vận động những gia đình có giống bản địa cho các gia đình thành viên hoặc người liên kết mượn giống, nuôi rẽ. Khi lợn sinh sản thì sẽ tạo điều kiện cho các hộ khác gây giống. Đến nay, đàn lợn đen bản địa của Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương đã đạt khoảng 2.000 con với 53 hộ chăn nuôi…

Bà Xa Thị Sinh ở xóm Tràm (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc) chọn giống lợn bản địa và cách nuôi truyền thống nên sản phẩm bán ra thị trường rất dễ dàng.
Bà Xa Thị Sinh ở xóm Tràm (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc) chọn giống lợn bản địa và cách nuôi truyền thống nên sản phẩm bán ra thị trường rất dễ dàng.

Cùng với chọn giống lợn đen bản địa thuần chủng, các thành viên, hộ liên kết sử dụng hình thức chăn nuôi truyền thống bằng cách nấu cám gạo, ngô với cây chuối và tận dụng nguyên phụ phẩm gia đình. Với cách nuôi như vậy sẽ tạo chất lượng thịt thơm ngon, khách hàng ưa chuộng. Cũng từ hình thức chăn nuôi truyền thống giống lợn thuần chủng, đến nay sản phẩm thịt lợn đen bản địa Tân Minh của Hợp tác xã ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn. Sản phẩm đã có mặt ở các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình… Sản phẩm chất lượng cao, giá thành cao, tiêu thụ mạnh, người chăn nuôi lợn bản địa ở Đà Bắc không lo đầu ra.

 Bà Xa Thị Sinh ở xóm Tràm xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn chủ yếu là tận dụng rau cỏ ở nhà và tranh thủ lúc nông nhàn. Sau khi được Hợp tác xã cho mượn giống, nhà tôi đã gây giống đàn lên hơn 10 con. Nuôi giống này lợn dễ bán và giá thành cao. Ngoài thời gian ở nhà trông cháu, tôi chăm đàn lợn, khi cần lúc nào cũng có thể bán được.

Ông Hà Văn Vững ở xóm Tràm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc là một hộ chăn nuôi truyền thống từ nhiều năm nay cho biết: Trước đây, tôi nuôi nhỏ lẻ chỉ vài con để dùng trong gia đình. So với giống lợn khác thì giống lợn này chậm lớn. Nhưng bù lại chi phí nuôi thấp, giá thành cao và ổn định. Tính về kinh tế thì nuôi lợn ở vùng cao hiệu quả hơn các vật nuôi khác nên gia đình tôi mở rộng thêm quy mô. Với diện tích khoảng 3ha, nhà tôi làm rào thả đồi hơn 70 con. Đến bữa gọi lợn về ăn, đầu tư chuồng trại đơn giản không phải chăm sóc nhiều. Chỉ cần 1 người có thể nuôi được 70 con lợn mà còn làm thêm được việc khác. Tôi dự tính tiếp tục nhân đàn lợn của mình khoảng 200 con. Đây là một hướng đi phù hợp với bà con vùng cao Đà Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.