Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khi kỹ sư livestream bán hàng nông sản sạch

Lê Vũ - Yến Thư - 22:55, 09/11/2023

Cập nhật xu hướng sử dụng nông sản sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ của người tiêu dùng, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tường Thảo (28 tuổi) – Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vườn nhà Đà Lạt đã quyết định rời bỏ công việc kỹ sư Hóa với mức lương khá cao ở TP. Hồ Chí Minh để về quê ở huyện miền núi Đơn Dương (Lâm Đồng) theo đuổi niềm đam mê của mình.

Nguyễn Thị Tường Thảo đã bắt đầu khởi nghiệp, theo đuổi đam mê từ những công việc đơn giản và phổ thông nhất
Nguyễn Thị Tường Thảo đã bắt đầu khởi nghiệp, theo đuổi đam mê từ những công việc đơn giản và phổ thông nhất

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, tuổi thơ của Nguyễn Thị Tường Thảo gắn liền với vườn rau và sạp rau nhỏ của mẹ ở chợ quê - nơi đã nuôi 6 chị em ăn học thành tài. Với 2 bằng đại học (Kỹ sư Hóa và cử nhân Kinh tế), cô kỹ sư trẻ sinh năm 1995 này, đã có công việc ổn định và mức lương “kha khá” ở phòng thí nghiệm của một công ty nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng dường như Tường Thảo chưa “bằng lòng” với chính mình. 

Đặc biệt, là sau đại dịch Covid -19, Thảo nhận ra mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, và thói quen tiêu dùng cũng thay đổi rất nhiều. Người dân đã chú trọng vào chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm tiêu dùng nhiều hơn.Trong khi đó, nguồn nông sản không sạch đang tràn lan trên thị trường mà quê Đơn Dương của Thảo lại có nguồn rau, củ, quả sạch  lại ít người biết đến. 

Trăn trở với điều này, đã đưa cô kỹ sư trẻ đến quyết định từ bỏ công việc tại công ty nước ngoài, về quê hương với mong muốn phát triển nông sản sạch, lan tỏa các loại rau, củ, quả sạch Đà Lạt đến với cộng đồng.

Trở về quê, để có thể tìm hiểu tường tận về những gì mình đang theo đuổi, Thảo xin vào làm việc tại HTX Vườn Nhà Đà Lạt từ vị trí cơ bản nhất là … đóng gói rau củ. Thảo chia sẻ: Những ngày  làm việc tại đây, tôi nhận thấy mô hình HTX rất hay. HTX Vườn nhà Đà Lạt có quy mô lớn, với hơn 20 nhân viên lao động thường xuyên, tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng tôi nhận thấy cách quản lý và vận hành còn lạc hậu, chưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất và thương mại. Cứ như vậy sẽ bị thụt lùi so với thị trường.

Với tinh thần tự tin của tuổi trẻ “dám nghĩ dám làm”, Thảo đã mạnh dạn trình bày, hỗ trợ HTX xây dựng một số đề án về quản trị nhân sự, ứng dụng công nghệ thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất và vận hàng doanh nghiệp. Với vai trò cố vấn cùng những phương án đề xuất ứng dụng sáng tạo, hiệu quả,Thảo nhanh chóng được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc HTX với việc, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc và giải quyết vấn đề thương mại nông sản, như chăm sóc xây dựng Fanpage, Webside, hệ thống tính toán hóa đơn điện tử…

Các video và buổi live stream bán hàng nông sản sạch của Thảo luôn có có lượng theo dõi "khủng"
Các video và buổi live stream bán hàng nông sản sạch của Thảo luôn có có lượng theo dõi "khủng"

Ý tưởng của cô kỹ sư trẻ, là hướng đến thay đổi mô hình bán sản phẩm theo các đơn hàng của mối quen HTX sang quảng bá quy trình sản xuất, sản phẩm trên Tik Tok, livestream bán hàng trực tuyến với mục tiêu thu hút nguồn khách hàng mới.

Thảo đã lập kênh Tik Tok, tự quay các video giới thiệu các sản phẩm được trồng tại HTX Vườn nhà Đà Lạt từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến khâu thu hoạch, tận dụng được thế mạnh của HTX, là tự sản xuất nông sản sạch, an toàn, chất lượng với các mặt hàng độc lạ, thành công thu hút thị hiếu tò mò và chinh phục một lượng lớn khách hàng. Các video đã đạt lượng theo dõi cực khủng, với các mặt hàng như ớt trái cây, bí sợi mì, chanh dây hương ổi thu hút hàng triệu view

“Lần đầu tiên trên nền tảng sàn thương mại số, có một đơn vị bán nông sản tươi vận chuyển đi toàn quốc. Tôi bán được 1 tấn ớt trái cây (Sweet Palermo) trong 15 phút, đưa về gần 1000 đơn hàng. Đây là lần đầu tiên HTX đóng hàng nhỏ lẻ, với số lượng nhiều như vậy nên gặp một số khó khăn về vận hành và vận chuyển. Nhưng với kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc cho một công ty nước ngoài, với quy mô lớn và những kiến thức mình có được, tôi đã sắp xếp nhân sự, hàng hóa, đóng gói hàng hóa và vận hành một cách thuận lợi nhờ các kỹ năng 5S, quản lý đội nhóm”, Thảo nhớ lại lần đầu tiên livestream bán hàng cho HTX.

Thảo từng bước khẳng định giá trị và vị thế của mình trên hướng đi mà mình đã lựa chọn. (Thảo ngồi ngoài cùng, bên trái với vai trò là diễn giả trong chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại 2023 do Bộ Công thương tổ chức)
Tường Thảo từng bước khẳng định hướng đi mà mình đã lựa chọn. (Tường Thảo ngồi ngoài cùng, bên trái với vai trò là diễn giả trong chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại 2023 do Bộ Công thương tổ chức)

Trong từng video, Thảo luôn chăm chút từng sản phẩm và chú trọng làm sao để khách hàng tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Các video được Thảo quay tận vườn của HTX, cũng như của những hộ dân liên kết, giới thiệu cho khách hàng các bước chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp vật lý, sử dụng thiên địch...

Với sự góp sức của Thảo, HTX Vườn nhà Đà Lạt – một đơn vị khởi nghiệp non trẻ được thành lập từ tháng 10/2019, nhưng đến nay đã có nhiều thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ cao, từng ngày khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

 Hiện HTX đang liên kết với 72 hộ nông dân, trong đó có nhiều hộ DTTS tại địa phương, Trung bình mỗi ngày, xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn nông sản sạch. Mặt hàng của HTX rất đa dạng có hơn 100 sản phẩm rau, củ, quả và đa số đã có chứng nhận VietGAP. Gần đây, HTX đã đăng ký sản phẩm OCOP với 2 mặt hàng là bí sợi mì và ớt trái cây.

Thảo trong một buổi hỗ trợ nông dân và thanh niên tỉnh Bắc Giang livestream quảng bá tiêu thụ nông sản
Cô kỹ sư Tường Thảo trong một buổi hỗ trợ nông dân và thanh niên tỉnh Bắc Giang livestream quảng bá tiêu thụ nông sản

Riêng đối với cô bạn kỹ sư trẻ, hành trình không chỉ dừng lại ở đó, Thảo còn tích cực tham gia nhiều hoạt động do Trung ương Đoàn tổ chức. Tham gia thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm trong các buổi hội thảo cho thanh niên khởi nghiệp ở nhiều tỉnh bạn. Với mong ước lan truyền niềm tin cho mọi người, mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi mô hình truyền thống theo hướng chuyển đổi số, công nghệ 4.0, phát triển kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Với những nỗ lực của mình Thảo đã được Hội Liên Hiệp thanh niên tỉnh Lâm Đồng biểu dương là “Thanh niên khởi nghiệp xuất sắc năm 2023” .

Nói về định hướng trong tương lai, Thảo cho biết HTX sẽ mở rộng kinh doanh, không chỉ trên Tik Tok mà còn trên nền tảng khác như: Shopee, Lazada. Thảo đang dự định lập một nhóm các bạn trẻ yêu nông sản để tìm hiểu, phát triển mặt hàng này. Đồng thời, nhóm sẽ làm đầu mối tiêu thụ cho bà con nông dân ở khắp tỉnh thành, hỗ trợ hướng dẫn bà con nông dân làm các mô hình nông sản sạch, hỗ trợ các HTX tiếp cận với mô hình chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.