Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Miền biên viễn Tương Dương đổi thay từng ngày nhờ sự góp sức của Người có uy tín

An Yên - 17:20, 10/12/2023

Lên huyện 30a Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi được nghe nhiều thông tin rất vui. Vui nhất là những năm gần đây, tỷ lệ đói nghèo đang từng bước giảm. Tương Dương đã trở thành địa bàn ba yên (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới).

Bản Piêng Coọc xã Mai Sơn ngày càng khởi sắc
Bản Piêng Coọc xã Mai Sơn ngày càng khởi sắc

Trong bao rộn rã ấy, chúng tôi chợt nhớ đến lời nói của Trưởng phòng dân tộc huyện Tương Dương Lương Xuân Hiệp rằng, trong những kết quả hôm nay có đóng góp không nhỏ của những Người có uy tín. Họ chính là “những cây đại thụ” tiếp lửa đam mê, thắp sáng phong trào để bà con các DTTS thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tương Dương là vùng đất nghèo khó bậc nhất xứ Nghệ. Khó vì địa bàn xa ngái, cách trở, dân cư phân bố không đều; khó vì đường biên giới dài hơn 67km, có 5 DTTS sinh sống còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu; khó vì vẫn còn 3 xã chưa có đường giao thông đi về nội huyện… Những lí do ấy, khiến cho đời sống kinh tế -xã hội của đồng bào các DTTS còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Trước thực tế đó, nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình được người dân tín nhiệm bầu chọn, nhiều Người có uy tín đã thể hiện cao tinh thần trách nhiệm, sát cánh cùng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Thông qua đội ngũ Người có uy tín, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đã được “chuyển tải” đến tận các làng bản, gia đình, họ tộc.

 Ông Mạc Quang Việt, Người có uy tín ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền cho biết: Bà con tín nhiệm, bản làng kỳ vọng… thì mình phải sống và làm việc như thế nào để xứng với điều ấy. Tôi chỉ tâm niệm rằng, trước hết bản thân mình cần gương mẫu, rồi vận động con cháu, dòng họ mình; thứ nữa mới vận động, tuyên truyền đến cả bản. Mình phải làm được thì mới nói được.

Từ công tác tuyên truyền, vận động này, ý thức tự giác của mỗi người dân đã được nâng lên, ý chí vượt khó của bà con được phát huy. Để rồi, phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất… đã có những gam màu tươi sáng. 

Nhìn vào danh sách Người có uy tín mà Phòng Dân tộc huyện cung cấp, chúng tôi càng thêm vui về những Người có uy tín. Họ còn rất tích cực trong việc tham gia tuyên truyền, vận động, góp sức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiều Người có uy tín còn tham gia vào hệ thống các tổ chức ở bản làng, như bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh… để vận động bản làng, con em, dòng họ.

 Chính nhờ vậy, việc ba yên trên địa bàn huyện (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới) ngày càng được củng cố và giữ vững, các tệ nạn như buôn bán ma  túy, mua bán người…một thời luôn là điểm "nóng", nay đã từng bước bị đẩy lùi, ngăn chặn trả lại sự bình yên cho nơi khu vực biên giới này. 

Mô hình nuôi bò nhốt của bí thư chi bộ, người có uy tín Vang Văn Muôn xã Tam Thái
Mô hình nuôi bò nhốt của bí thư chi bộ, người có uy tín Vang Văn Muôn xã Tam Thái

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, nhiều Người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như là ông Và Chắn Dờ, ông Và Tồng Dê (xã Nhôn Mai); một số Người có uy tín  thì áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, như ông Xeo Văn Thọ (xã Nhôn Mai), Thò Nênh Thông (xã Hữu Khuông)…

Chính họ - những cây đại thụ miền biên viễn, không những đã làm cho gia đình mình thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ những nỗ lực vươn lên, mà họ còn là tấm gương sáng tác động, lan tỏa đến các hộ xung quanh; tạo nên một phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mạnh đất quê hương mình. Chẳng thế mà, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua hàng năm, cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 39,18%, cuối năm 2022 giảm xuống còn 34,03% và hiện nay chỉ hơn 30%.

Để làm đẹp bản làng, để chương trình MTQG xây dựng NTM thành công, những Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Khỏi phải nói, bản thân Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, trở thành những lá cờ đầu ở bản làng để bà con đi theo, làm theo...

Nhờ đó, tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; 5 xã đạt từ 11 – 18 tiêu chí; 7 xã đạt từ 5 – 10 tiêu chí;  15 xã/16 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế, đạt 93,7%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ước đạt 15,8%..., góp phần làm đổi thay bản làng, nông thôn vùng biên thêm khởi sắc.

Để có được những thành công ấy, còn có cả công sức của những tấm gương “đi trước về sau” của những Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân,  như ông Viêng Văn Ngọ (xã Tam Hợp), Nguyễn Trọng Tân (xã Tam Thái), Vi Đức Chương (xã Tam Đình)

Từ sự tích cực tham gia của đội ngũ Người có uy tín, mà tỷ lệ thành lập các tổ chức chính trị, xã hội ở khối bản ngày càng cao, với tỷ lệ tập hợp hội viên của các chi hội đạt từ 75% - 98%. Hiện nay, tỷ lệ thành lập Ban công tác mặt trận là 146/146 khối, bản; Chi đoàn thanh niên 146/146 khối, bản; Chi hội Nông dân 145/146 khối, bản; Chi hội Phụ nữ 146/146 khối, bản; Chi hội Cựu chiến binh 143/146 khối, bản.

An ninh trật tự được đảm bảo, người dân xã Tam Hợp yên tâm phát triển kinh tế
An ninh trật tự được đảm bảo, người dân xã Tam Hợp yên tâm phát triển kinh tế

Điều phấn khởi khác, ở miền biên viễn này, không chỉ là “cầu nối” giữa chính quyền và bà con dân bản để truyền đạt lại nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; mà Người có uy tín còn là những người góp sức bắc nhịp cầu hữu nghị với bản làng nước bạn Lào.

Phong trào kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp biên giữa các bản làng huyện Tương Dương với các cụm dân cư nước bạn ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đang có nhiều cặp bản kết nghĩa như vậy và những Người có uy tín bắc nhịp cầu hữu nghị, là các ông Và Giống Tủa (xã Mai Sơn), Xồng Cha Xia (xã Nhôn Mai), Vi Văn Khuyên (xã Tam Đình)…

Lâu nay, phong trào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở huyện Tương Dương đã có nhiều kết quả quan trọng. Nếp sống mới về việc cưới, việc tang đã được phát huy; các hủ tục lạc hậu như trồng cây thuốc phiện, ăn ở chưa hợp vệ sinh… đang dần được bãi bỏ. Rất nhiều lễ hội đậm nét văn hóa của đồng bào đang được phục dựng và phát huy từ vai trò vận động của đội ngũ Người có uy tín; như lễ hội Đền Vạn, lễ hội Xăng Khan, mừng tiếng sấm, cầu mùa… 

Ông Lo Văn Cường, Người có uy tín dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My tâm sự: tôi rất trăn trở với bản sắc văn hóa của dân tộc bị mai một. Vì thế, mà tự mình có trách nhiệm cùng chính quyền, người dân phục dựng, bảo tồn. Việc khôi phục thành công lễ hội đón tiếng sấm, rồi tiếng nói và chữ viết không chỉ tôi mà bà con dân bản rất vui.

 Đánh giá về vai trò, vị trí của đội ngũ Người có uy tín, ông Lương Xuân Hiệp,Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương nhấn mạnh: Giai đoạn 2023-2027, toàn huyện có 140 người có uy tín. Họ là những điển hình, là những cây đại thụ ở các bản làng, góp sức, góp công cùng hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động bà con dân bản thi đua phát triển kinh tế- xã hội, làm giàu chính đáng. Huyện đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ Người có uy tín.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.