Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát huy vai trò công tác vận động quần chúng ở cơ sở

Phạm Nguyên - 05:25, 09/12/2023

Công tác vận động quần chúng ở cơ sở là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là quá trình hiện thực hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội... đến từng người dân, từng hộ gia đình ở cơ sở nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết Nhân dân. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước.

Những thành tựu đáng tự hào

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân. Vì vậy, Người luôn coi công tác vận động quần chúng Nhân dân là công tác hết sức quan trọng, có tính chiến lược quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Người diễn đạt chân lý ấy bằng những lời giản dị. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền… Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Người luôn luôn tin tưởng Nhân dân và đánh giá đúng vai trò của Nhân dân.

Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pắc Bó, Cao Bằng năm 1961 (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pắc Bó, Cao Bằng năm 1961 (Ảnh tư liệu)

Để phát huy tốt vai trò của công tác vận động quần chúng ở cơ sở, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận về công tác vận động quần chúng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), như: Nghị quyết số 25, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 49, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Chỉ thị số 16, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”… Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã triển khai thực hiện có hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thành tựu có được sau hơn 37 năm đổi mới là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có vận động quần chúng Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Quy mô nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển vượt bậc: Tăng trưởng GDP khá đều trong nhiều năm liên tục, trong bối cảnh đại dịch Covid mà thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 4.100 USD.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước diện mạo vùng đồng bào DTTS đổi thay rõ nét
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước diện mạo vùng đồng bào DTTS đổi thay rõ nét

Đặc biệt, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và triển khai hiệu quả công tác vận động quần chúng, kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) đã có bước phát triển mới; đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và MN giảm 2-3%/năm; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm; các huyện nghèo giảm 4-5%... Vùng DTTS và MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 27 huyện ở vùng DTTS và MN (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới. 

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS đạt được kết quả rõ nét hơn... Hiện nay, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 đã và đang làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và MN.

Với những thành tựu đó chúng ta tự hào khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng được xem như cẩm nang, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng. 

Đổi mới công tác vận động quần chúng

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Muốn vậy, phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này chứng tỏ, công tác vận động quần chúng ở cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt, là công việc then chốt của Đảng và cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Với tinh thần đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng thành các chương trình hành động, chính sách, đề án, dự án và đề ra những giải pháp để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Trong đó, phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS và MN; kịp thời chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân tham gia triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Vận động Nhân dân tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của Nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước, tạo lập sự đồng thuận, đoàn kết, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác vận động Nhân dân ở cơ sở, xem đây là công việc quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi lẽ chỉ có nhận thức đúng thì Nhân dân mới tích cực, chủ động tham gia thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, đóng góp công sức vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Công tác vận động quần chúng ở cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết các dân tộc. Phát huy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng ở cơ sở là điều kiện để khơi dậy mọi tiềm năng, sức mạnh nội lực để phát triển đất nước trong tình hình mới và hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.