Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mèo Vạc (Hà Giang): Người phụ nữ dân tộc Mông vươn lên thoát nghèo, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Hồng Phúc - 10:22, 03/11/2021

Sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo, cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, chị Thò Thị Già, dân tộc Mông, thôn Há Chế, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc đã vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế được bà con trong bản noi theo.

Chị Thò Thị Già đang chăm sóc cho đàn bò.
Chị Thò Thị Già luôn chủ động nguồn thức ăn và chăm sóc đúng cách, nhờ vậy đàn bò của gia đình phát triển tốt

Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang. Huyện có hơn 80% là người dân tộc thiểu số với gần 17.000 hộ và 86.000 dân. Tính đến tháng 9/2021, Mèo Vạc có hơn 7.000 hộ nghèo, xấp xỉ 1.000 hộ cận nghèo. 

Địa hình của huyện rất phức tạp, với 10 xã là núi đá, 3 xã biên giới, 5 xã khu vực núi đất. Diện tích đất để trồng trọt rất ít, chỉ khoảng 1.300ha diện tích trồng lúa và trên 7.000ha diện tích ngô mỗi năm một vụ. Chính vì vậy, cuộc sống của người dân địa phương luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sinh ra và lớn lên trên địa bàn huyện Mèo Vạc, chị Thò Thị Già là người thấu hiểu hơn ai hết về những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Chính vì vậy, chị luôn suy nghĩ về hướng phát triển kinh tế gia đình. Chị Già chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế,  chị nhận thấy việc trồng cỏ và nuôi bò, rất phù với với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hơn nữa, việc chăn nuôi không tốn quá nhiều chi phí nhưng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ý nghĩ đi liền với hành động, chị đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng cỏ để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, chị còn tận dụng các khoảng đất trống, đồi núi trọc của gia dình để phát triển trồng cỏ. Hiện nay, gia đình chị có khoảng 3ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn bò của gia đình. 

Ngoài ra, chị còn nấu rượu lấy bỗng rượu để bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh bột cho đàn bò. Chị tận dụng cả những thân cây ngô để ủ chua, dự trữ thức ăn cho đàn bò vào mùa đông. Nhờ nguồn thức ăn từ tự nhiên dồi dào, nên chi phí để chăn nuôi cũng tiết kiệm đáng kể.

Đặc biệt, chị Già còn tích cóp, và mạnh dạn vay mượn thêm vốn để mua các con bò gầy yếu của bà con trong vùng, tại các phiên chợ trên địa bàn về để nuôi vỗ béo. Mỗi đợt, chị nuôi vỗ béo từ 10 - 20 con bò. Sau khoảng 3 - 6 tháng, chị lại bán cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi.

Nhờ việc chăm chỉ chăn nuôi, mỗi năm trừ đi các khoản chi phí gia đình chị lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Có thu nhập cao, gia đình chị Già đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

Nhờ chăm chỉ trong lao động sản xuất, mỗi năm chị Già thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nhờ chăm chỉ trong lao động sản xuất, mỗi năm chị Già thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Được biết, chị Già không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là hội viên tích cực, nhiệt tình trong các phong trào tại địa bàn. Với mọi người trong thôn, chị luôn nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế.

Chị Già chia sẻ, để phát triển chăn nuôi gia súc thành công cần phải biết các khâu kỹ thuật cơ bản như: công tác chăm sóc và vệ sinh chuồng trại; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. 

Để vỗ béo cho đàn bò được nhanh và hiệu quả,  khi mua bò, chỉ mua những con gầy yếu tuổi còn non. Công việc đầu tiên khi mang bò gầy về nuôi là phải tẩy giun sán và dùng các sản phẩm phụ từ nông nghiệp như cám gạo, bột ngô để cho ăn bổ sung…

Với những kết quả trên, từ năm 2017 đến nay, chị Thò Thị Già đã được Hội Phụ nữ huyện Mèo Vạc tặng giấy khen do có thành tích làm kinh tế giỏi, giúp đỡ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Hiện chị là tấm gương về sự chăm chỉ học hỏi, cần cù trong lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế được nhiều người trong bản noi theo. 

(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.