Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ mô hình liên kết nuôi dê trên vùng cao núi đá

Phạm Văn Phú - 14:31, 08/10/2021

Mô hình liên kết nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Triệu Chòi Lụa, dân tộc Dao ở thôn Tân Minh, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi đạt gần 300 triệu đồng.

Đàn dê của gia đình anh Chòi Văn Lụa, dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)
Đàn dê của gia đình anh Chòi Văn Lụa, dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Tận dụng địa thế đất đồi, rừng của gia đình rộng trên 7 ha, từ năm 2015, anh Triệu Chòi Lụa đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi 15 đôi dê. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh Lụa đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dê của những gia đình thành công trên địa bàn.

Bên cạnh đó, anh tìm đến cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú  y để học hỏi kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Từ những kiến thức học hỏi thực tế qua các mô hình nuôi dê thành công và kiến thức từ các cơ quan chuyên môn, anh Lụa dần mở rộng quy mô phát triển đàn dê của gia đình. Từ năm 2018 đến nay, đàn dê của gia đình anh Lụa luôn duy trì từ 120 đến 140 con.

Ngoài phát triển chăn nuôi dê quy mô hộ gia đình, trong những năm qua, anh Lụa đã liên kết với một số hộ chăn nuôi dê của thôn Tân Minh để cùng nhau phát triển đàn dê của thôn theo hướng hàng hóa. Theo anh Lụa, khi đã cùng liên kết chăn nuôi dê với các hộ gia đình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không bị tư thương ép giá. Ngoài ra khi đã liên kết chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nguồn thức ăn và giống khi cần thiết…

Để phát triển nuôi dê thành công, anh Lụa xây dựng 5 dãy chuồng nuôi dê riêng biệt nhằm đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. Anh Lụa chỉ chăn thả dê lên đồi rừng trong những ngày trời nắng, những ngày trời mưa, dê được nuôi nhốt và cho ăn bổ sung từ nguồn cỏ  trồng trong vườn rừng và được bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất…

Theo anh Lụa, để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ từ 10 - 15 ngày một lần; hàng ngày phải thu dọn vệ sinh; rắc vôi bột trên nền chuồng định kỳ mỗi tuần một lần; ngoài ra còn phải tiêm phòng một số loại vacxin để phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Thức ăn cho dê phải bảo đảm khô ráo, sạch và không bị ẩm mốc. Nếu dê ăn phải cỏ còn dính sương đêm thì thường bị bệnh chướng bụng đầy hơi. Vì vậy, khi chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả lên đồi khi cỏ đã khô sương.

Khi được hỏi về thu nhập, anh Lụa cho biết: Trong một năm, gia đình thường xuất bán dê thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 35 đến 40 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng từ 40-45 kg, giá bán từ 90.000-110.000 đồng/kg, như vậy mỗi con dê bán được khoảng từ 4 triệu - 4.5 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê của gia đình vào khoảng từ 420 - 450 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi từ 280 - 300 triệu đồng mỗi năm.

Anh Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Gia đình anh Triệu Chòi Lụa là một tấm gương điển hình trong cộng đồng dân tộc Dao của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ liên kết nuôi dê của địa phương. Trong những năm qua, xã đã lấy mô hình làm giàu từ liên kết nuôi dê của gia đình anh Lụa để tuyên truyền cho cộng đồng các dân tộc của xã học tập và làm theo. Anh Lụa xứng đáng là một tấm gương sáng để đồng bào các dân tộc của xã học tập, làm theo.

Từ những thành tích trong phát triển liên kết chăn nuôi dê, gia đình anh Triệu Chòi Lụa đã được Hội Nông dân và UBND huyện Hoàng Su Phì biểu dương, khen thưởng. Mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Triệu Chòi Lụa cũng trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các đoàn thanh niên, nông dân… trong và ngoài huyện Hoàng Su Phì trong những năm qua.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.