Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Mận tam hoa dưới dãy núi Bidoup

Thảo Linh - 17:06, 19/08/2024

Nhận thấy độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng mận tam hoa, loại quả đặc sản, có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân dưới dãy núi Bidoup - Núi Bà thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã mang giống về trồng thử nghiệm. Sau 8 năm canh tác, mận tam hoa đã mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân trên cao nguyên.

Nông dân Đạ Chais vui mừng khi mận tam hoa mang lại cuộc sống ấm no
Nông dân Đạ Chais vui mừng khi mận tam hoa mang lại cuộc sống ấm no

Năm 2016, gia đình bà Hoàng Thị Oanh, thôn Đông Mang, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương ra tận huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La mua giống mận tam hoa về trồng thử nghiệm trên 1 sào đất. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, giống mận tam hoa cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lạc Dương với năng suất, chất lượng quả không thua kém vùng đất Mộc Châu. Từ đó, gia đình bà Oanh mở rộng diện tích trồng mận tam hoa lên 4 sào.

Bà Oanh cho biết: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây mận tam hoa, gia đình tôi phá bỏ diện tích cà phê hiệu quả kinh tế thấp để phát triển cây mận. Tôi nhận thấy mận tam hoa hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 6 lần so với trồng cà phê trước đây. Đầu ra của mận tam hoa rất thuận lợi, tư thương đến tận vườn thu mua”.

Ngoài gia đình bà Oanh, gia đình anh Cao Văn Thản ở cùng thôn Đông Mang đầu tư trồng 2ha mận tam hoa, với trên 1.000 cây. Vụ mùa này, khoảng 500 cây cho trái, bình quân mỗi cây cho từ 30 - 40kg trái, bán với giá từ 50 - 60 ngàn đồng/kg, mang lại cho gia đình anh Thản một nguồn thu nhập khá cao.

Theo chia sẻ của anh Cao Văn Thản: Trước khi trồng giống mận này, cần đào hố và bón lót phân khoảng 1 tháng, tạo cho đất tơi xốp, thoát nước tốt và có độ dinh dưỡng để cây phát triển. Cây mận tam hoa chịu hạn khá tốt nhưng vẫn cần tưới nước định kỳ. Khi trời khô hạn, tưới tăng lượng nước nhiều hơn. Đồng thời, mình tận dụng nguồn phân chuồng hoai mục, phân bón NPK và phân Super lân bón lót cho cây theo định kỳ. Chú ý thời điểm cây ra hoa, tạo quả và sau khi thu hoạch, cần bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Giống mận này kháng bệnh tốt nên ít khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…”.

Hiện, toàn xã Đạ Chais có khoảng 15 hộ dân trồng mận tam hoa, với diện tích trên 7ha; chính quyền xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mận vì đây là loại cây phù hợp với trình độ canh tác của người dân, là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân xã Đạ Chais phát triển kinh tế. Bởi lẽ, vốn đầu tư ban đầu khá thấp, gồm tiền mua cây mận giống, phân bón... khoảng 15 - 20 triệu đồng/sào, phù hợp khả năng đầu tư của người dân.

Ông Kơ Să Ha Khrên, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais cho biết thêm: “Qua mấy năm trồng thử nghiệm, có thể khẳng định rằng, cây mận tam hoa rất thích hợp với vùng đất Đạ Chais, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích đồng bào DTTS trên địa bàn mở rộng diện tích trồng mận tam hoa, nhất là trồng xen trong vườn cà phê. Cùng với đó, chính quyền phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch mận tam hoa, nhằm góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào DTTS”.

Với lợi thế có Quốc lộ 27C nối liền giữa TP. Nha Trang và Đà Lạt chạy qua, mận tam hoa trên địa bàn xã Đạ Chais không đơn thuần chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn được kỳ vọng trở thành sản phẩm kinh tế chủ lực, món quà ưa thích cho du khách gần xa mỗi khi đến dãy núi Bidoup - Núi Bà.