Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mái nhà hạnh phúc của bệnh nhân phong dưới chân đèo Ea Na

Lê Hường - 12:07, 22/06/2021

Nhiều năm qua, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại Khoa điều trị phong Ea Na, thuộc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk, luôn tận tâm với bệnh nhân phong không chỉ bằng lương tâm, trách nhiệm người thầy thuốc, mà còn làm điểm tựa tinh thần giúp bệnh nhân phong tìm lại niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Bác sĩ, nhân viên y tế thăm khám vết thương cho bệnh nhân
Bác sĩ, nhân viên y tế thăm khám vết thương cho bệnh nhân

Tình người nơi trại phong

Nằm dưới chân đèo Ea Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Khoa điều trị phong Ea Na nép mình trong những rẫy cà phê, hồ tiêu, điều xanh ngát. Trại phong Ea Na không chỉ là khu điều trị bệnh, mà còn là mái nhà hạnh phúc, nơi thành thân, thành nghiệp của nhiều gia đình bệnh nhân phong.

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, từ nhiều địa phương trôi dạt đến điều trị bệnh, rồi sinh sống ở đây. Bác sĩ Tố cho biết: Khu điều trị bệnh nhân phong Ea Na thành lập năm 1948, với quy mô 50 giường bệnh. Thời kỳ đó, bệnh phong bị xã hội kỳ thị, người mắc bệnh phong bị coi như “hủi”, cộng đồng xa lánh, miệt thị.

Người bệnh vì thế mà tự ti, không giao tiếp và cũng không muốn điều trị bệnh. Mãi đến thập niên 90 mới có thuốc điều trị, cơ sở vật chất đảm bảo, việc điều trị bệnh phong bắt đầu chuyển biến tích cực.

"Bệnh phong để lại di chứng tàn tật suốt đời khiến người bệnh tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Người thầy thuốc phải chữa trị bằng cả cái tâm, bằng việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn tiếp thêm nghị lực cho người bệnh", bác sỹ Tố chia sẻ.

Mắc bệnh phong từ năm 10 tuổi, cả thời thơ ấu và tuổi thanh xuân của bà H’Giáp Êban trở thành địa ngục khi bị người nhà và xã hội xa lánh. Căn bệnh khiến bà cụt một chân, cùi hết các ngón tay. Gần 30 tuổi bà được người nhà đưa đến rại phong Ea Na gửi gắm, điều trị và ở lại đây cho đến bây giờ. 

“Nửa đời người sống trong trại phong, đây như ngôi nhà thứ 2 của tôi, chỉ ở đây tôi mới thấy tình người trong nghịch cảnh. Các y bác sĩ không chỉ chăm lo thuốc thang, mà quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ và sự chia sẻ, động viên của những bệnh nhân khác giúp tôi tìm thấy niềm vui cuộc sống và quyết định sinh sống tại đây đến hết cuộc đời”, bà H’Giáp Êban xúc động.

Không chỉ bà H’Giáp, nhiều bệnh nhân khác cũng yên tâm gửi gắm và sống vui vẻ trong Khoa Điều trị phong Ea Na đến hết đời.

Tiếp nối những tấm lòng

Khoa điều trị phong Ea Na hiện có 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc hơn 60 bệnh nhân phong, trong đó có 30 bệnh nhân điều trị nội trú. Mỗi bệnh nhân đến với khoa, không chỉ mang trên mình những tàn tật do di chứng bệnh phong, mà còn gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần khi bị xã hội kỳ thị, xa lánh. 

Với phương châm, lấy nụ cười của bệnh nhân làm niềm hành phúc của mình, các y bác sĩ và nhân viên y tế của Khoa điều trị phong Ea Na luôn gần gũi chia sẻ, trở thành người bạn tri kỷ xoa dịu nỗi đau tinh thần cho bệnh nhân.

Chị H’Kiăt Êban tình nguyện làm cấp dưỡng chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân phong
Chị H’Kiăt Êban tình nguyện làm cấp dưỡng chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân phong

Sống cùng người thân bị bệnh phong tại Khoa Điều trị phong Ea Na từ nhỏ, chứng kiến bệnh nhân phong chịu đau đơn về thể chất, tổn thương tinh thần đến suy sụp, H’Rít Êban đã quyết tâm theo nghề y. Năm 2016, H’Rít Êban viết đơn tình nguyện vào công tác tại Khoa Điều trị phong Ea Na để được chăm sóc, động viên và gắn bó với bệnh nhân phong. 

“Căn bệnh này rất đặc thù cần sự chăm sóc đặc biệt, tôi luôn tâm niệm và đối xử với bệnh nhân phong như người trong gia đình. Không chỉ làm tròn trách nhiệm chuyên môn mà còn phải chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người bệnh”, H’Rít Êban nói.

Ngoài nhân viên y tế, ở đây còn có một số tình nguyện viên làm cấp dưỡng cùng đội ngũ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân phong như người thân của mình. Như chị  H’Kiăt, kế nghiệp mẹ làm cấp dưỡng cho Khoa điều trị phong, chị luôn chu đáo tận tình với người bệnh. 

Chị H’Kiăt Êban tâm sự: mẹ tôi là bà H’Xul làm cấp dưỡng ở trại phong này đã hơn 40 năm. Hồi nhỏ tôi thường theo mẹ vào trại phong nấu cơm cho người bệnh. Lúc đầu nhìn người bệnh bị trụi ngón tay, ngón chân tôi cũng sợ, nhưng càng lớn nhận thức rõ hơn về bệnh và thấy việc làm của các y bác sĩ, nhân viên tình nguyện thật nhân văn. Tôi đã xung phong về trại phong làm cấp dưỡng, cho đến nay đã được 18 năm. Hằng ngày, tiếp xúc với những bệnh nhân, nói chuyện và chia sẻ cũng là một cách giúp đỡ người bệnh có tinh thần điều trị bệnh tốt hơn.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na khẳng định: trại phong Ea Na đang ngày càng khởi sắc, cuộc sống của những bệnh nhân phong ở đây khá giả cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Một phần nhờ các tổ chức đoàn thể, cá nhân vẫn thường xuyên tổ chức thiện nguyện giúp bệnh nhân phong xóa đi mặc cảm, dần dần hòa nhập cộng đồng. Bây giờ người ta cũng không còn kỳ thị bệnh nhân phong như ngày xưa nữa rồi.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.